Kiên Giang gỡ khó cho dạy và học trực tuyến

NDO -

Tỉnh Kiên Giang đang dạy và học bằng phương pháp trực tuyến ở hai khối lớp 9 và lớp 12. Đến ngày 20/9, tỉnh này có hai phương án cho việc dạy và học. Một là, dạy và học trực tiếp có học sinh đến trường, nếu dịch bệnh được kiểm soát ở mức an toàn. Hai là, dạy và học gián tiếp qua thiết bị điện tử trên môi trường internet, nếu tình hình ngược lại.

Thầy giáo Trường THCS Võ Nguyên Giáp tương tác với học sinh qua công cụ Google Meet.
Thầy giáo Trường THCS Võ Nguyên Giáp tương tác với học sinh qua công cụ Google Meet.

Tuy nhiên, chỉ còn một tuần nữa là đến mốc (20/9) quy định, nhưng tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Trong bối cảnh ấy, việc dạy và học qua môi trường internet là lựa chọn bắt buộc.

Khó từ vùng sâu…

An Minh là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang với điều kiện hạ tầng cơ sở còn khó khăn, đặc biệt là cơ sở vật chất của ngành giáo dục và điều kiện học tập của sinh thuộc tóp “nghèo” nhất tỉnh. Mặc dù hiện tại tình hình dịch bệnh Covid-19 ở địa phương này được kiểm soát rất tốt, nhưng ngành giáo dục của huyện vẫn không thoát khỏi những khó khăn chung của tỉnh.

Trường THPT An Minh hiện có 8 lớp khối 12 với 238 học sinh đang học tập bằng hình thức trực tuyến từ ngày 6/9 đến nay. Mặc dù đã có sự nỗ lực từ phía nhà trường, phụ huynh và xã hội nhưng nhiều học sinh vẫn đang khó khăn về thiết bị, đồ dùng để theo học bằng hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho năm học mới vẫn còn ngổn ngang.

Thầy Lưu Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THPT An Minh cho biết: Trong hè, cơ sở vật chất của trường được chính quyền trưng dụng làm khu cách ly đối tượng nguy cơ với Covid-19. Điểm cách ly tại trường dự kiến hoàn thành vào ngày 21/9; sau khi tiến hành vệ sinh, khử khuẩn, sắp xếp lại bàn ghế, chính quyền sẽ bàn giao lại cho trường vào ngày 24 hoặc 25/9. Khi đó, trường sẽ rà soát và vệ sinh khử khuẩn trước khi đưa vào sử dụng cho mục đích giáo dục.

Về điều kiện dạy học trên môi trường internet, Trường THPT An Minh đã trang bị đủ các trang thiết bị cơ bản dạy học. Trường vừa trang bị 5 laptop hỗ trợ cho những giáo viên khó khăn về phương tiện dạy học online. Theo thống kê, toàn trường còn 29 học sinh chưa có phương tiện học qua internet, nhà trường đang tìm cách cùng gia đình học sinh tháo gỡ như giới thiệu mua trả góp, mượn phương tiện học…

Kiên Giang gỡ khó cho dạy và học trực tuyến -0

Màn hình học trực tuyến môn giáo dục công dân lớp 9 Trường THCS và THPT Mong Thọ.

Bên cạnh đó, trên tổng số gần 1.000 học sinh của Trường THPT An Minh thì còn 161 em chưa có sách giáo khoa. Nhà trường đã có 3 phương án hỗ trợ. Thứ nhất, thương lượng hiệu sách gần trường đưa sách về bán cho học sinh và hiện đã có sách. Thứ hai, góc tư vấn học đường làm đầu mối tổ chức trao nhận sách giữa các em học sinh dưới hình thức cho và nhận sách cũ, số lượt đã trao nhận hiện hơn 20 bộ. Thứ ba, dùng hết số sách ở thư viện cho học sinh mượn, gần 100 bộ.

“Nhưng hiện tại, trường đang là khu cách ly, nên chúng tôi chưa thể vào trường đóng sách cho học sinh mượn, nên phải ưu tiên phương án một và hai”. Còn việc dạy và học trực tuyến hiện nay: “Các tiết học được chia nhỏ ra, có thời gian nghỉ ngơi 15 phút để giáo viên và học sinh thư giãn mắt, sạc pin. Mỗi ngày, học tối đa 6 tiết. Buổi sáng, học tối đa 4 tiết, buổi chiều học tối đa 3 tiết…” - thầy Lưu Văn Bình chia sẻ.

… dài ra thành thị

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp thì không chỉ có các huyện vùng sâu mới gặp khó khăn, mà một số trường vùng ven đô thị cũng phải đôn đáo cho năm học mới, nhất là việc giải bài toán thiết bị để học sinh tham gia môi trường học tập còn khá mới mẻ này.

Thầy Lê Quốc Trung, Hiệu Trưởng Trường THCS và THPT Mong Thọ (huyện Châu Thành) cho biết: Hiện nay, nhà trường gặp nhiều khó khăn khi phải triển khai dạy và học trên môi trường internet. Đa số học sinh thiếu phương tiện học tập, rất nhiều em không có thiết bị học tập, gia đình không có điều kiện lắp đặt hệ thống mạng internet tại nhà.

Cụ thể, số lượng không có điều kiện học tập của Trường THCS và THPT Mong Thọ ở Khối 6 là 49,24%, khối 7 là 35,53%, khối 8 là 27,68%, khối 9 là 20,69%, khối 10 là 28,09%, khối 11 là 9,64%, khối 12 là 6,08%. Toàn trường có 24,98% học sinh chưa có đủ điều kiện tham gia học trực tuyến.

“Tóm lại, học sinh chỉ cần có đủ thiết bị học là việc học trực tuyến vẫn đảm bảo một cách tương đối, ổn định về dạy và học trong mùa dịch bệnh. Nhà trường mong muốn có sự đồng hành của xã hội hỗ trợ về phương tiện học tập cho những học sinh nghèo, gia đình khó khăn… Được như vậy, nhà trường sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong năm học này” - thầy Lê Quốc Trung tha thiết.

Kiên Giang gỡ khó cho dạy và học trực tuyến -0

Học sinh sẽ nhớ lắm những buổi sinh hoạt dưới cờ khi học mà không được đến trường. 

Tại TP Rạch Giá, các trường cũng có những khó khăn nhất định. Theo thầy Phan Quốc Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (TP Rạch Giá): Mặc dù nhà trường được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo phòng trong việc tổ chức dạy và học, sự tâm huyết, đồng lòng của toàn thể giáo viên, sự hưởng ứng của phụ huynh, học sinh… nhưng việc dạy và học qua môi trường internet cũng gặp phải nhiều khó khăn.

“Do có khó khăn về kinh phí nên nhà trường chỉ tổ chức dạy và học trên công cụ Google Meet. Đây là một công cụ miễn phí cho người dùng, mà thường cái gì cho không thì không được như ý, có vấn đề cần quan tâm” - thầy Phan Quốc Nam nói

Theo thống kê sơ bộ của Trường THCS Võ Nguyên Giáp, chỉ có 21% học sinh có máy vi tính tham gia học trực tuyến, trong khi có đến 79% số học sinh phải tham gia học tập trên điện thoại, thiết bị di động. Điều này ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả tương tác giữa học sinh với giáo viên, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học, đáng lo ngại là nguy cơ học sinh sẽ mắc các bệnh tật về mắt.

“Về phía thầy, cô giáo, nhiều người chưa quen thực hiện giảng dạy trực tuyến nên sẽ không khai thác hết các chức năng của công cụ tương tác, vì vậy quản lý lớp học sẽ không đạt kết quả như mong muốn” - thầy Phan Quốc Nam chia sẻ.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Trần Quang Bảo cho biết: Hiện số học sinh trong tỉnh chưa có và cần trang bị thiết bị học qua môi trường internet khá nhiều. Cụ thể, cấp tiểu học 63.807 học sinh (chiếm 41,37%); cấp trung học cơ sở 29.892 học sinh (chiếm 29,96%); cấp trung học phổ thông 2.485 học sinh (chiếm 6,09%).

Tỉnh Kiên Giang đã phát động triển khai thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến các cấp các ngành, cũng như huy động sự tham gia, chung sức của cộng đồng doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Tỉnh Kiên Giang hy vọng, thông qua chương trình này, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn sẽ được hỗ trợ để có đủ phương tiện thiết bị thông minh tham gia học tập trực tuyến, góp phần giữ vững chất lượng học tập.