Kiểm tra, thanh tra trong thi hành án dân sự

NDĐT - Tại nhiều địa phương, các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) nghiêm túc tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, trong đó tập trung kiểm tra, tự kiểm tra đối với các nội dung liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó quan tâm công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án (THA), bán đấu giá tài sản THA, trình tự, thủ tục THA...

Tăng cường giám sát, kiểm sát

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, Bộ Tư pháp chỉ đạo các Cục, Chi cục THADS phải ban hành Kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra hàng năm theo hướng mỗi năm 100% Cục, Chi cục thực hiện việc tự kiểm tra; Cục THADS kiểm tra toàn diện tối thiểu 2/3 số đơn vị trên địa bàn.

Trên cơ sở Kế hoạch kiểm tra, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 111/2015/QH13 của Quốc hội tại các Cục, Chi cục.

Về hoạt động thanh tra, Bộ Tư pháp đã thực hiện tám cuộc thanh tra hành chính tập trung vào các nội dung đầu tư xây dựng cơ bản; công tác tổ chức cán bộ và quản lý, sử dụng kinh phí và hai cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Kết quả thanh tra cho thấy, các đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm một số thiếu sót, sai phạm về công tác đầu tư, xây dựng cơ bản; tổ chức cán bộ; việc quản lý, sử dụng kinh phí và trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Hoạt động giám sát, kiểm sát của các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện KSND các cấp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức giám sát Ban cán sự Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp giai đoạn 2016 - 2017, trong đó có công tác THADS. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thực hiện giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND”.

Công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được kiện toàn, củng cố. Theo số liệu thống kê gần đây của Tổng cục THADS, về biên chế, đã thực hiện 9.289/9.488 biên chế. Hiện toàn quốc có 4.112 Chấp hành viên; 729 Thẩm tra viên và 1.791 Thư ký thi hành án. Bộ Tư pháp đã thường xuyên rà soát, phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền các địa phương tập trung kiện toàn đội ngũ công chức lãnh đạo các cơ quan THADS.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị về công tác cán bộ, trong đó tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/BCSĐ ngày 14-3-2014 của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức cán bộ các cơ quan THADS giai đoạn 2014 – 2016, kết hợp sơ kết công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác, công tác biệt phái, trên cơ sở đó ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chung trong toàn hệ thống.

Ứng dụng công nghệ thông tin

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, theo đó, các cơ quan THADS trên toàn quốc tiếp tục vận hành cổng, trang thông tin điện tử THADS, thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, hỗ trợ nộp đơn trực tuyến thi hành án, rà soát, công bố thủ tục hành chính, thực hiện chế độ báo cáo trực tuyến, tăng cường sử dụng chữ ký số và văn bản điện tử.

Lãnh đạo Tổng cục THADS cho biết: Thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, Bộ Tư pháp và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong THADS qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Tiếp tục hiện đại hóa hoạt động quản lý công tác THADS, Bộ Tư pháp đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS năm 2018, trong đó trọng tâm là triển khai Hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp Chi cục và thống nhất triển khai, vận hành phần mềm Quản lý THADS trên toàn quốc.

Một trong những nội dung được quan tâm là công tác phối hợp các bộ, ngành, địa phương ngày càng thực chất. Các quy chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành liên quan như Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Qua đó đã tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả THADS.

Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tổ chức các buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Hiện nay, Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung rà soát để ký kết Quy chế phối hợp giữa hai bộ nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thi hành án liên quan đến lĩnh vực đất đai.

Mặt khác, công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã có nhiều Đoàn làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ và hoạt động chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, ban hành nhiều chỉ thị lãnh đạo công tác THADS trên địa bàn.

Qua giám sát, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 180 kết luận giám sát. Viện KSND các cấp đã thực hiện 1.061 cuộc kiểm sát đối với công tác THADS và ban hành 128 kháng nghị và 1.116 kiến nghị. Các cơ quan THADS đã nghiêm túc tiếp thu các kháng nghị, kiến nghị của Viện KSND và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục thiếu sót.
Năm 2018, Bộ Tư pháp triển khai, đầu tư xây dựng mới 23 trụ sở và 7 kho vật chứng các cơ quan THADS địa phương. Đến nay, toàn Hệ thống THADS triển khai, đầu tư xây dựng trụ sở đối với 757 đơn vị, còn 20 đơn vị cấp Chi cục chưa có trụ sở làm việc. Đã triển khai, đầu tư xây dựng 269 kho vật chứng, còn 504 đơn vị chưa có kho vật chứng, trong đó cấp Cục 4 đơn vị và cấp Chi cục là 500 đơn vị.
(Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự- Bộ Tư pháp)

Có thể bạn quan tâm