Đại diện EVN, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn khẳng định, tất cả các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của khách hàng liên quan sử dụng điện, nhất là tiền điện tăng cao, được phản ánh trực tiếp về các Tổng đài Chăm sóc khách hàng của năm Tổng công ty Điện lực, các đơn vị điện lực sẽ phải thực hiện việc giải đáp trong vòng 24 giờ.
Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, từ đầu năm đến nay, số ý kiến kiếu nại, kiến nghị của khách hàng sử dụng điện tăng 67% so cùng kỳ năm trước, chủ yếu liên quan chỉ số điện sử dụng và tiền điện tăng cao. Mọi phản ánh của khách hàng, dù trực tiếp hay qua mạng xã hội, báo chí, đều được tiếp nhận, cử nhân viên điện lực đến tận nơi kiểm tra, hoặc trao đổi qua điện thoại, email, tin nhắn và xử lý kịp thời, dứt điểm, cho đến khi nhận được ý kiến đồng thuận, thống nhất của khách hàng.
Ở Thừa Thiên Huế chưa xảy ra sai sót trong việc ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện. Công-tơ điện được kiểm định độc lập, do Trung tâm Thí nghiệm điện chịu trách nhiệm, có sự giám sát của Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế.
Đoàn công tác liên ngành đã đi thực tế, khảo sát hoạt động của Trung tâm Kiểm định công-tơ tại thành phố Huế, khảo sát là lắng nghe ý kiến khách hàng về việc sử dụng điện theo phương thức ngẫu nhiên tại hai hộ gia đình có chỉ số tiêu thụ điện tăng cao trong những tháng gần đây; kiểm tra thực tế việc ghi chỉ số công-tơ điện và hóa đơn tiền điện tại Điện lực Phú Vang.
Ông Trần Nam Chung, trú tại lô 19, khu dân cư Bàu Vá, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, cho biết, khi thấy chỉ công-tơ của tháng 5 và 6 tăng đột biến, ông đã gọi điện đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng phản ánh. Ngay sau đó, nhân viên điện lực đến kiểm tra công-tơ, kiểm tra hệ thống điện trong gia đình và không phát hiện bất thường. Việc tiêu thụ điện tăng đột biến là do gia đình sử dụng điều hòa, quạt máy liên tục trong những ngày nắng nóng.
Hộ ông Trần Hậu Lâm, ở đường Hồng Chương, phường An Cựu phản ánh, khi thấy hóa đơn tiền tiền điện tăng từ 2,5 triệu đồng trong tháng 5, lên 3,5 triệu đồng trong tháng 6, ông đã gọi cho tổng đài và được nhân viên điện lực tiếp nhận, đến kiểm tra ngay. Sau khi trao đổi, gia đình hiểu rõ việc sử dụng điều hòa thường xuyên nhưng cửa ra vào cũng thường xuyên có người đi lại, khiến việc tiêu thụ điện nhiều hơn, nên gia đình cũng không thắc mắc gì thêm.
Đoàn kiểm tra cũng làm việc với Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) về công tác ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị khách hàng trong giai đoạn nắng nóng năm 2020.
Ông Phạm Sỹ Hùng, Phó Tổng Giám đốc EVNCPC thông tin, trong những năm qua, EVNCPC đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sử dụng điện an toàn, liên tục, ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng.
Thực hiện chủ trương hiện đại hóa hệ thống đo đếm, EVNCPC đã đầu tư công-tơ điện tử và thiết bị đo xa cho toàn bộ công-tơ tổng và khách hàng có trạm biến áp, lắp đặt công-tơ điện tử đạt 91,7% tổng số khách hàng cá nhân, trong đó thu thập số liệu công-tơ tự động cho 81,3% khách hàng với tỷ lệ online đạt 99%.
Các nghiệp vụ kinh doanh, như: ghi chỉ số, cấp điện mới, chấm xóa nợ... đều được thực hiện trên thiết bị di động. EVNCPC đã xây dựng và triển khai thành công chương trình “Quản lý thông tin hiện trường bằng ứng dụng trên thiết bị di động”.
Chương trình được áp dụng trên thiết bị di động và website, liên kết với CMIS, hệ thống RF Spider và kho dữ liệu hồ sơ hợp đồng mua bán điện. Với chương trình này, thông tin của khách hàng thay đổi tại hiện trường sẽ được đồng bộ vào chương trình quản lý, bảo đảm cập nhật kịp thời, đồng nhất. Chương trình cho phép người dùng cập nhật tọa độ để vẽ sơ đồ lưới điện hiện trạng, chuẩn xác tọa độ, vị trí, hình ảnh và thông tin của khách hàng tại hiện trường trên nền bản đồ Google Maps.
Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ ghi nhận thông tin sự cố/bất thường tại hiện trường bằng hình ảnh và mô tả, thông báo cho các bộ phận liên quan, xử lý và cập nhật kết quả kịp thời.
EVNCPC là tổng công ty đầu tiên của EVN triển khai cung cấp dịch vụ điện dịch vụ điện theo phương thức điện tử trên diện rộng, từ tháng 10-2019.
Đến tháng 6-2020, đã có 93.152 khách hàng sử dụng dịch vụ điện theo phương thức điện tử, xác nhận theo hình thức xác thực mã OTP hoặc ký điện tử bằng chứng thư số chiếm tỷ lệ 75,3% tổng số dịch vụ tiếp nhận. Ngoài ra, EVNCPC là tổng công ty có tỷ lệ yêu cầu qua Cổng DVCQG cao nhất trong toàn EVN, với 42.998 khách hàng đăng ký yêu cầu dịch vụ, đạt tỷ lệ 34,74% tổng số dịch vụ.
Việc lắp đặt, thay thế, kiểm định định kỳ công-tơ đo điện thực hiện tuân thủ quy định quản lý thiết bị đo đếm bán điện cho khách hàng thuộc Bộ Quy trình kinh doanh được ban hành thống nhất trong EVN và các quy định pháp luật về đo lường (Luật Điện lực, Luật Đo lường, Thông tư 23/2013/TT-BKHCN; 07/2019/TT-BKHCN, 24/2013/TT-BKHCN).
Công-tơ đứng, cháy, hỏng đã được các đơn vị thay thế, tính toán truy thu kịp thời, đúng quy định. Việc áp dụng các hình thức thu thập dữ liệu từ xa (EVNHES, DSPM, RF-Spider) hỗ trợ các đơn vị phát hiện sớm và thay thế kịp thời các trường hợp công-tơ hư hỏng.
Việc lập hóa đơn tiền điện được thực hiện trên chương trình CMIS3.0, là phần mềm dùng chung trong toàn EVN. Cách thức tính toán hóa đơn tiền điện căn cứ theo Quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện do EVN ban hành, tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Thông tư 16/2014/TT-BCT, Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20-3-2019 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện; văn bản số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16-4-2020 về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện.
Hiện nay, EVNCPC sử dụng chương trình giám sát mua bán điện (CPM), kiểm soát sản lượng điện hằng tháng của khách hàng sử dụng điện. Ngay sau khi phát hành hóa đơn tiền điện, thông báo tiền điện được gửi đến khách hàng bằng hệ thống tự động qua các kênh mà khách hàng đã đăng ký: SMS, email, app CSKH. Đồng thời, toàn bộ dữ liệu hóa đơn tiền điện được đồng bộ trên website CSKH, Cổng DVC quốc gia, thuận tiện cho khách hàng chủ động tra cứu và thanh toán tiền điện trực tuyến mọi lúc, mọi nơi.
Khách hàng đã được lắp đặt công-tơ điện tử đo xa, có thể giám sát, theo dõi chỉ số công-tơ hằng ngày qua app CSKH, website CSKH. Qua đó, khách hàng có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch sử dụng điện phù hợp; kịp thời phát hiện sản lượng điện tăng bất thường do rò rỉ, thất thoát điện năng (nếu có).
Từ ngày 1-5 đến ngày 25-6, EVNCPC đã tiếp nhận và giải quyết 260.827 yêu cầu của khách hàng, trong đó có 1.341 yêu cầu liên quan chỉ số công-tơ và hóa đơn tiền điện, chiếm tỷ lệ 0,5% tổng số yêu cầu. Trong đó, có 97 trường hợp sau khi điện lực kiểm tra, xác nhận phản ánh của khách hàng về sản lượng bất thường là đúng, do các nguyên nhân: Công-tơ đứng, cháy, hỏng; lỗi đo xa; đường dây sau công-tơ bị chạm chập, đấu nhầm với hàng xóm; chỉ số sai. Kết quả điện lực đã thay thế công-tơ, đấu lại dây sau công-tơ cho khách hàng; thực hiện tính toán truy thu thoái hoàn và điều chỉnh hóa đơn cho khách hàng.
EVNCPC đã xây dựng công cụ điểm tin mạng xã hội, theo dõi thông tin liên quan hoạt động của Tổng công ty và các đơn vị thành viên. Qua đó, chủ động theo dõi, nắm bắt, phát hiện kịp thời những thông tin liên quan trên mạng xã hội. Sau khi nắm thông tin, EVNCPC đã chỉ đạo các đơn vị gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, giải thích, làm rõ cho khách hàng hiểu và thỏa mãn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ, qua các buổi làm việc, khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến khách hàng sử dụng điện ở miền bắc và miền trung, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, làm việc ở các địa bàn còn lại để tổng hợp tình hình, kiến nghị các cơ quan liên quan về những vấn đề còn thiếu sót, yếu kém trong quản lý, trong tổ chức sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực.
Trước mắt, đoàn nhận thấy công tác, quy trình kiểm định công-tơ, trước khi đưa vào hoạt động đều tuân thủ quy định pháp luật, các công-tơ đều đã được kiểm định, dán tem, kẹp chì tại cơ quan Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Khi khách hàng có nhu cầu, nhân viên điện lực sẽ đến và tháo công-tơ trước sự chứng kiến của khách hàng, mang đi kiểm định lại tại Trung tâm Kiểm định công-tơ. Nếu khách hàng yêu cầu, công-tơ sẽ được gửi đến cơ sở kiểm định độc lập thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Để giảm thiểu sai số trong quá trình thu thập chỉ số tiêu thụ điện, hiện, EVN đang đẩy mạnh việc chuyển đổi thiết bị đo điện từ công-tơ cơ sang công-tơ điện tử. Đây cũng là biện pháp nhằm tăng tính minh bạch của ngành điện cũng như khả năng giám sát của người dân.