Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm

Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (từ ngày 15/4 đến 15/5), các đoàn kiểm tra liên ngành từ cấp thành phố tới các quận, huyện, thị xã đã tăng cường kiểm tra vấn đề này, qua đó kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Ðoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn tại Trường tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).
Ðoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm xét nghiệm nhanh khay đựng thức ăn tại Trường tiểu học Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm).

Và không chỉ trong Tháng hành động, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm sẽ liên tục được thành phố Hà Nội quan tâm, triển khai để bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Theo Sở Y tế Hà Nội, địa bàn hiện có 70.779 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó có bảy cơ sở giết mổ công nghiệp, 24 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 718 điểm giết mổ thủ công, 454 chợ, 134 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, 5.044 ha trồng rau an toàn được quản lý, giám sát…

Qua kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn, lực lượng chức năng ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị trong việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, đầu tư cơ sở vật chất, cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng cho người tham gia sản xuất, chế biến thực phẩm…

Tại bếp ăn tập thể tại Trường tiểu học Phúc Tân (số 12 phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), vào thời điểm kiểm tra, khu vực bếp ăn của nhà trường bảo đảm sạch sẽ, trang bị đầy đủ trang, thiết bị như tủ sấy tiệt trùng dụng cụ, bát đĩa; kệ giá, khay đựng thực phẩm; nhân viên chế biến được trang bị đầy đủ khẩu trang, găng tay, mũ… Bên cạnh đó, hồ sơ pháp lý liên quan công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của bếp ăn đều đáp ứng đầy đủ; người tham gia chế biến được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm...

Bếp ăn bán trú của Trường tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm) mỗi ngày phục vụ 1.400 học sinh bán trú. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác đã lấy năm mẫu bát, khay đựng thức ăn để xét nghiệm nhanh và kết quả tất cả các mẫu đều đạt yêu cầu. Qua kiểm tra siêu thị Mega Market (đường Phạm Văn Ðồng, quận Bắc Từ Liêm) cho thấy, mặt bằng siêu thị rộng rãi, thoáng mát, các mặt hàng được bày bán riêng biệt, ngăn nắp, có các biển chỉ dẫn...

Tuy nhiên, các cơ sở này vẫn còn tồn tại một số vi phạm cần khắc phục. Bếp ăn Trường tiểu học Phúc Tân cần sắp xếp lại để bảo đảm đúng quy trình một chiều và thông thoáng hơn. Qua xét nghiệm nhanh các khay ăn, đoàn kiểm tra đã phát hiện hai trong số 10 khay còn tinh bột bám dính. Bếp ăn Trường tiểu học và THCS Mỹ Ðức (huyện Mỹ Ðức) cũng bố trí, sắp xếp chưa khoa học. Nhà trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày, không có sổ theo dõi việc lưu mẫu thức ăn.

Siêu thị Mega Market thì cần sắp xếp khu vực bán thịt tươi sống cách xa khu vực bày bán thực phẩm bao gói, hóa mỹ phẩm, đồng thời, cần thường xuyên vệ sinh, sắp xếp gọn gàng các loại dụng cụ như cối xay thịt, bàn sơ chế… để tránh lây nhiễm chéo. Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hải Quang (huyện Mê Linh) tại thời điểm kiểm tra vẫn để côn trùng xâm nhập vào khu vực sản xuất, giá kệ đựng thực phẩm hoen gỉ, kho chứa nguyên liệu chưa bảo đảm khép kín…

Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hiện vẫn gặp khó khăn do đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại các phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác này, nhất là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thường có diện tích nhỏ, hẹp, một số cơ sở kinh doanh không cố định, thường bán hàng vào buổi đêm, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tra cơ sở.

Trưởng phòng Y tế huyện Mê Linh Nguyễn Thành Khang cho biết thêm, công tác kiểm tra và tổ chức hậu kiểm việc thực hiện nội dung đã cam kết về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở còn hạn chế. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không bảo đảm an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường và thời gian, địa điểm tập kết hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhấn mạnh, để bảo đảm an toàn thực phẩm không phải chỉ cần ở một khâu, một quy trình mà là sự kết hợp đồng bộ của một hệ thống trong cả quá trình, từ khâu trồng trọt, giao nhận nguyên liệu đến chế biến, giám sát, vệ sinh... đều cần bảo đảm yêu cầu của các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra, khi phát hiện ra những hạn chế, lực lượng chức năng đã yêu cầu các đơn vị phải có biện pháp khắc phục ngay lập tức, đồng thời giao cho cơ quan chức năng địa phương giám sát.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ và đột xuất, không chỉ trong Tháng hành động mà phải xuyên suốt từng năm. Qua đó, từng bước siết chặt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Ðại diện Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý người dân cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, đầy đủ thông tin ở các cửa hàng cố định, uy tín, lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi” để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và mọi người.