Kiềm chế tội phạm liên quan vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mặc dù đã được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về sử dụng các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại dao tự chế để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, gây án... có xu hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước, ngày càng diễn biến khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
Ảnh minh họa: Lực lượng công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do người dân tự nguyện giao nộp.
Ảnh minh họa: Lực lượng công an tỉnh Đồng Nai tiếp nhận vũ khí, công cụ hỗ trợ do người dân tự nguyện giao nộp.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho thấy đây là loại tội phạm có độ ẩn cao, luôn có sự đề phòng, cảnh giác. Lợi nhuận thu được từ việc mua bán, gia công, chế tạo các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng với một đơn hàng được giao dịch thành công. Một số đối tượng có thể tự học, nghiên cứu theo các hướng dẫn trên mạng xã hội để mua các linh kiện về chế tạo, sản xuất, bán kiếm lời dễ dàng.

Ðối tượng vi phạm thường tập trung ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc khu vực biên giới. Những đối tượng hoạt động chuyên nghiệp thường cấu kết chặt chẽ, hình thành đường dây, nhóm kín trên Zalo, Facebook, Telegram nhằm đăng tải các bài viết quảng cáo thông tin cung cấp các loại vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ như: Súng, dao, kiếm, mã tấu...; các loại công cụ hỗ trợ khác như: Gậy, súng điện, còng tay... sau đó, lợi dụng trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng.

Khi đạt được thỏa thuận với khách hàng, các đối tượng sử dụng dịch vụ COD (giao hàng mới thu tiền) từ các đơn vị giao hàng trung gian để vận chuyển, giao tận tay khách hàng. Ðể đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng chia nhỏ các bộ phận, linh kiện rồi gửi nhiều lần nên khó xử lý. Ðáng chú ý, thời gian gần đây, nổi lên tình trạng các nhóm đối tượng, nhóm thanh, thiếu niên sử dụng hung khí tự chế như dao, kiếm, mã tấu,... để đâm, chém, giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Ðối tượng vi phạm thường tập trung ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự hoặc khu vực biên giới.

Ðiển hình như vụ đối tượng Trần Viết Ðông, sinh năm 1999, ở Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam: Khoảng 0 giờ ngày 5/10/2023, trên đường Phạm Văn Ðồng, thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), Ðông điều khiển xe máy chở bạn áp sát xe rác, nẹt pô. Sợ xảy ra tai nạn, hai nữ lao công đang làm nhiệm vụ lên tiếng nhắc nhở, liền bị Ðông quay lại chửi bới, dọa dẫm. Ðông trở về phòng trọ lấy khẩu súng bắn đạn chì trước đó lên mạng mua các phụ kiện về tự lắp ráp, quay lại tìm hai nữ lao công. 1 giờ sáng cùng ngày, tìm thấy hai nữ lao công đang quét rác, Ðông cùng bạn áp sát, đánh chị Khải.

Khi chạy đến can ngăn, chị Lưu đã bị Ðông dùng súng bắn vào đùi và tiếp tục bắn chị Khải ba phát đạn ở chân. Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, tuy là đạn chì nhưng nếu bắn ở cự ly gần cũng gây sát thương. Nghiêm trọng hơn là những vụ việc phức tạp như vụ khủng bố xảy ra ngày 11/6 vừa qua tại huyện Cư Kuin (Ðắk Lắk). Hàng trăm đối tượng đã sử dụng súng, dao, bom xăng tấn công hai trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, làm chín người chết, hai người bị thương. Công an tỉnh Ðắk Lắk đã bắt giữ, khởi tố 84 đối tượng, thu 20 khẩu súng các loại (8 súng quân dụng, 12 súng tự chế); hai lựu đạn; 1.199 viên đạn; 15 kíp nổ; 1,2 kg vật liệu nổ và 32 dao, kiếm các loại.

Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công an đã chỉ đạo, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp công an một số địa phương đấu tranh, triệt phá một số chuyên án về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tính từ 15/12/2021 đến 15/8/2023, lực lượng cảnh sát hình sự toàn quốc đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý gần 3.800 vụ việc, hơn 8.200 đối tượng liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; khởi tố 1.601 vụ/3.768 đối tượng.

Các vụ điển hình như: Tháng 8/2022, Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp Cục Cảnh sát hình sự phá chuyên án, bắt giữ 13 đối tượng, thu giữ 366 khẩu súng các loại. Tháng 3/2023, Công an tỉnh Ðồng Nai phá chuyên án, bắt giữ bảy đối tượng, thu giữ 18 khẩu súng các loại; Công an tỉnh Bình Dương bắt hai đối tượng về hành vi mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí, thu giữ 19 khẩu súng. Tháng 4/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ bốn đối tượng về hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ. Tháng 7/2023, Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ 31 đối tượng về hành vi tàng trữ, vận chuyển vũ khí, công cụ hỗ trợ, thu bốn khẩu súng ngắn, một quả nổ tự chế... Ngoài việc thu giữ nhiều vũ khí, súng, đạn, cơ quan công an còn thu giữ nhiều thiết bị, máy móc dùng để gia công, chế tạo, lắp ráp súng, vật liệu nổ...

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện ba kế hoạch chuyên đề về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo. Ðây là nội dung quan trọng trong thực hiện đợt cao điểm tấn công tội phạm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 theo Ðiện số 97/ÐK-HT ngày 20/11/2023 của Bộ Công an.

Kết quả, qua hơn ba tháng thực hiện Kế hoạch 5231, công an năm tỉnh Tây Nguyên đã vận động thu hồi 4.438 khẩu súng các loại; tám tháng triển khai thực hiện Kế hoạch 161, công an 18 địa phương trọng điểm phát hiện, bắt giữ 822 vụ về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chiếm gần 50% tổng số vụ trên toàn quốc; 5 tháng thực hiện Kế hoạch 3535, công an 25 địa phương có tuyến biên giới đã phát hiện, bắt giữ 156 vụ về pháo, thu gần 13 tấn pháo, chiếm 63% tổng số vụ trên toàn quốc.

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội nhấn mạnh, để thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đề nghị công an các đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Ðiện số 97/ÐK-HT của Bộ Công an; Công văn số 4068 của Bộ Công an về tăng cường thực hiện công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, phát huy vai trò nòng cốt, công an các địa phương cần kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục chủ động phối hợp chính quyền cơ sở, người có uy tín, thành lập các tổ công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vận động quần chúng nhân dân tố giác các hành vi buôn bán, sản xuất, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại công cụ nêu trên, nhằm đấu tranh ngăn chặn; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả trong đấu tranh, quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.