Kịch bản nào cho Mỹ và đồng minh can thiệp Iran?

“Bưu điện Niu Yoóc” cho biết, gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 5-3 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tái bảo đảm Mỹ không để Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Oái oăm là trong khi ông Obama muốn Israel chờ thêm các đòn trừng phạt kinh tế phát huy hiệu lực, thì Netanyahu khăng khăng Israel có quyền tự vệ. Mỹ và đồng minh sẽ can thiệp kiểu gì vào Iran là câu hỏi với cộng đồng quốc tế.

Về tình hình căng thẳng

Căng thẳng tại Iran bắt nguồn từ hai nguyên nhân chủ yếu và lâu dài:Bất đồng về các vấn đề chính trị giữa Mỹ và Iran; và sự lo ngại của Mỹ, Tây Âu và Israel về chương trình hạt nhân của Iran. Tình hình càng “nóng lên” từ hai sự kiện: Mỹ cáo buộc Iran liên quan đến vụ mưu sát Đại sứ Arab Saudi tại Mỹ (11-10-2011) và Báo cáo của IAEA (8-11-2011) rằng có bằng chứng cho thấy Iran đang triển khai chương trình phát triển bom hạt nhân. Mỹ và phương Tây (đặc biệt là Anh, Pháp) chủ trương gia tăng sức ép mạnh với Iran và tính đến mọi phương án (bao gồm cả tấn công quân sự) để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố Mỹ cần phải có những hành động mang tính chất quyết định để ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo tờ Guardian, Anh đang chuẩn bị những phương án can thiệp quân sự để cùng tham gia với Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Juppe nói, Pháp sẵn sàng đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt gay gắt hơn đối với Iran nếu nước này từ chối trả lời những câu hỏi về chương trình hạt nhân của họ.

Trái lại, Nga và Trung Quốc phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran. Tổng thống Nga Medvedev bày tỏ lo ngại về những đe dọa sử dụng vũ lực chống Iran, cho rằng lời đe dọa đó là cực kỳ nguy hiểm và có thể dẫn tới chiến tranh, gây thảm họa cho cả Trung Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Trung Quốc chính thức phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với Iran.

Lợi ích chủ yếu của Mỹ trong vấn đề Iran

Theo các tuyên bố công khai, lợi ích chủ yếu của Mỹ trong vấn đề Iran bao gồm: (1) Loại bỏ khả năng Iran phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân; (2) Thúc đẩy dân chủ ở Iran nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung; (3) kiểm soát nguồn cung dầu mỏ trữ lượng lớn thứ 3 trên thế giới; (4) tạo điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh chiến lược Đại Trung Đông.

Là quốc gia lớn hàng đầu khu vực, Iran có tiềm năng trở thành quốc gia hùng mạnh nhờ vào dân số đông, tiềm lực dồi dào, có vị trí chiến lược quan trọng, việc Iran ngả theo Mỹ hoặc chống Mỹ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Trong những năm gần đây, lãnh đạo cấp cao Iran luôn có thái độ chống đối, bất hợp tác và kêu gọi nhân dân Iran và trong khu vực đi ngược lại với những chính sách chung của Mỹ đối với Iran và với khu vực, gây lo ngại ngày càng gia tăng cho Mỹ.

Các kịch bản Mỹ và đồng minh có thể lựa chọn

Một là: Mỹ và đồng minh trực tiếp tấn công tổng lực vào Iran (như với Iraq năm 2003). Kịch bản này cho đến nay ít khả năng xảy ra vì các lý do sau: (1) Về chính trị - nội bộ, Mỹ đang tập trung cho bầu cử 2012; (2) Về kinh tế, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đặc biệt phải đối phó với nguy cơ tái khủng hoảng; (3) Về quân sự, hiện tại vẫn còn một lượng lớn quân Mỹ đồn trú căng trải tại Afganistan và Iraq, dễ trở thành mục tiêu trả đũa bằng tên lửa đạn đạo của Iran; (4) Nga và Trung Quốc đều có lợi ích lớn tại Iran, do đó sẽ phản đối mạnh nếu Mỹ tấn công Iran.

Hai là: Mỹ và đồng minh trực tiếp tấn công hạn chế vào các cơ sở hạt nhân của Iran bằng máy bay và tên lửa. Kịch bản này không gây ra biến động lớn tại Trung Đông như Kịch bản 1 và thiệt hại (nhất là về người) của Mỹ sẽ ít hơn Kịch bản 1.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ hành động theo kịch bản này cũng không cao vì các lý do về chính trị, kinh tế, quân sự và dư luận quốc tế. Đặc biệt, việc tấn công hạn chế sẽ không phá hủy được tiềm lực quân sự của Iran và Iran hầu như chắc chắn sẽ tấn công trả đũa vào các mục tiêu của Mỹ tại Vùng Vịnh.

Ba là: Israel được Mỹ bật đèn xanh tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Kịch bản này có khả năng xảy ra cao hơn hai kịch bản trên vì các lý do sau: (1) Israel có lực lượng không quân khá mạnh và đã có kinh nghiệm trong việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iraq và Syria trước đây; (2) Việc Israel chấp nhận đi đầu sẽ giúp Mỹ tránh được tổn thất về sinh mạng, đồng thời hạn chế được sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhân tố hạn chế khả năng Israel tấn công Iran trong tương lai gần. Đó là: (1) Nội bộ Israel hiện chưa đồng thuận (trừ Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng); (2) Các chuyên gia cho rằng không lực hiện tại của Israel chưa có khả năng tác chiến tầm xa; (3) Israel sẽ phải cân nhắc hệ lụy của việc tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Bốn là: Mỹ sử dụng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hoặc các kênh khác (bao gồm ngoại giao song phương và khu vực) để gia tăng trừng phạt và cấm vận để làm suy yếu Iran.

Đây là kịch bản có khả năng xảy ra cao vì các lý do sau: (1) Việc chưa can thiệp quân sự sẽ giúp Mỹ tránh được các hệ lụy cho Mỹ…, đồng thời được sự ủng hộ lớn hơn của cộng đồng quốc tế (bao gồm cả Nga và Trung Quốc); (2) Hiện tại, việc hậu thuẫn để Israel để tấn công Iran cũng chưa hội đủ các điều kiện cần thiết nhằm giảm thiểu tổn thất; (3) Việc tăng cường trừng phạt kinh tế và cấm vận sẽ có tác dụng suy yếu dần tiềm lực của Iran, gây mâu thuẫn trong nội bộ Iran.

Chờ khi Mỹ sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để thúc đẩy tiến trình dân chủ, tiến tới thay thế thể chế chính trị tại Iran như đối với Libya. Trong trường hợp nỗ lực này không hiệu quả, Mỹ cũng đã có một thời gian nhất định để tăng cường khả năng chiến đấu cho quân đội Israel, để tăng hiệu quả và giảm thiểu tổn thất cho cuộc chiến.

Như vậy, trong các kịch bản thì kịch bản bốn vẫn là khả năng thực tế. Trong trường hợp Iran có hành động khiêu khích, Mỹ và đồng minh cũng sẽ đáp trả theo kịch bản ba mà chưa phát động chiến tranh tổng lực với Iran.

Có thể bạn quan tâm