Kịch bản điện ảnh chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Công phu và kỹ lưỡng

Cuộc thi viết kịch bản điện ảnh được phát động từ ngày 27-2-2008 cho đến hết ngày 30-12-2008, thu hút 143 kịch bản dự thi, bao gồm 79 kịch bản phim truyện, 29 kịch bản phim tài liệu, khoa học và 35 kịch bản phim hoạt hình. Phó Cục trưởng Cục Ðiện ảnh Lê Ngọc Minh, cho biết, để tạo nguồn sáng tạo cho các tác giả tham gia cuộc thi, Cục Ðiện ảnh đã tổ chức nhiều đợt đi thực tế dài ngày tại một số địa phương có những sự kiện nổi bật về kinh tế - xã hội như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc...

Sau hơn nửa năm phát động cuộc thi, số lượng và chất lượng các kịch bản nhận được cũng làm ngạc nhiên chính những người trong Ban tổ chức. Ông Lê Ngọc Minh cho biết, có những kịch bản được đầu tư nghiêm túc và rất công phu, tác giả đã dày công tìm hiểu kỹ lưỡng về đề tài, nhân vật. Các kịch bản chủ yếu xoay quanh đề tài cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều thời kỳ, đề tài Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử và trong thời kỳ hiện đại, đề tài mang hơi thở đương đại, phản ánh xã hội đổi mới... Nhiều kịch bản hoạt hình và tài liệu khoa học có những phát hiện và sáng tạo riêng.

Ðặc biệt, có tác giả đã ngoài 80 tuổi như cụ Lê Khôi (Ðà Nẵng) gửi ra cả chục tập kịch bản, với độ dài hàng nghìn trang. Bên cạnh những cây bút tên tuổi và "quen mặt" với các cuộc thi viết kịch bản, cuộc thi cũng thu hút nhiều cây bút không chuyên, nhiều tác giả trẻ, thậm chí có những tác giả còn ngồi trên ghế nhà trường...

Có thể điểm tên một số cây bút nổi tiếng đã giành giải thưởng tại cuộc thi này như nhà văn Chu Lai; nhà thơ, nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm; nhà biên kịch, đạo diễn Văn Lê; nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Giám đốc Hodafilm); nhà biên kịch Ðinh Thiên Phúc...

Ðánh giá về chất lượng các kịch bản dự thi lần này, ông Lê Ngọc Minh cho biết, các khung giải thưởng đều kín hết, điều đó cho thấy chất lượng kịch bản tham gia cũng tương đối khá và đồng đều.

Về cơ cấu giải thưởng, đây là cuộc thi có số tiền thưởng cao nhất từ trước tới nay: 85 triệu đồng cho giải nhất kịch bản phim truyện, giải nhì 60 triệu đồng, giải ba 40 triệu đồng và giải khuyến khích 20 triệu đồng. Ở thể loại phim ngắn gồm phim hoạt hình và phim tài liệu, khoa học, giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 25 triệu đồng và giải ba 10 triệu đồng.

Bên cạnh những cái được của các kịch bản dự thi, theo ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Ðiện ảnh, Trưởng Ban tổ chức, vẫn còn một số kịch bản "non tay", tác giả chưa có kinh nghiệm nên chưa đưa kịch bản đạt đến mức hoàn chỉnh. Tuy nhiên, xét về tổng thể, đây là kết quả đáng mừng đối với một cuộc thi, phản ánh kịp thời sự phát triển của đất nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo cây viết chuyên và không chuyên, và quan trọng hơn là tạo nguồn sáng tạo cho mảng phim truyện đề tài lịch sử, danh nhân và chính trị, vốn đang rất thiếu.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao giải nhất kịch bản phim truyện cho tác giả Lê Vượng với tác phẩm Long thành cầm giả ca. Lê Vượng cũng là cái tên quen thuộc khi tác phẩm Chở đá lên núi của ông giành giải thưởng tại một cuộc thi cũng do Cục Ðiện ảnh tổ chức, sau này được đạo diễn Trần Lực dựng thành phim với tên Hai Bình làm thủy điện.

Giải nhì kịch bản phim truyện được trao cho các tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát (Nhìn ra biển cả), Nguyễn Anh Dũng và Trần Thế Thanh (Những người viết huyền thoại). Giải ba được trao cho Trịnh Thị Anh Thư (Lê Thánh Tông - Thăng Long huyền thoại), Chu Lai (Quyết đấu giữa sương mù) và Hoàng Nhuận Cầm (Nhà tiên tri).

Ở thể loại phim hoạt hình, giải nhất được trao cho tác giả Ðoàn Triệu Long với tác phẩm Ðinh Bộ Lĩnh. Giải nhì thuộc về Ðiệp Vân (Chiếc vé đặc biệt) và Vũ Thị Diệp (Thánh Tản Viên).

Ở thể loại phim tài liệu, giải nhất được trao cho tác giả Kiều Vượng (Nguyên liệu), giải nhì: Nguyễn Như Vũ (Người thắp lửa) và Trung Phương (Con đường gốm sứ). Thể loại phim khoa học: không có giải nhất, giải nhì thuộc về tác giả Nguyễn Thu Tuyết (Bước đi của cách mạng xanh).

"Nguồn vốn mới" cho phim truyện

Với một số lượng kịch bản tốt, được đầu tư công phu qua cuộc thi này, công chúng có quyền hy vọng vào những bộ phim hay sắp tới về đề tài lịch sử và danh nhân, những đề tài vốn rất khó thể hiện, khó viết hay và đang rất thiếu hiện nay. Nhận xét về cuộc thi,  Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam Lê Ðức Tiến, chia sẻ: "Ðề tài lịch sử và truyền thống cách mạng vẫn là đề tài khó, ít được khai thác trong thương mại, nhưng lại không thể thiếu trong điện ảnh. Các kịch bản đoạt giải trong cuộc thi này là hành trang quý báu và cần thiết cho việc xây dựng mảng phim truyện lịch sử, cách mạng trong thời gian tới".

Cũng chung ý kiến này, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ nhận xét: "Gần 150 tác phẩm với những hình tượng nhân vật, những sự kiện đã nối dài từ Thăng Long nghìn năm cho tới cuộc sống hôm nay, cho chúng ta thấy được những thế hệ người Việt Nam anh hùng đã xây dựng nên cuộc sống này như thế nào.

Ðề tài về lịch sử, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn được đánh giá là khó, lại càng khó hơn khi muốn thể hiện chân thực và sinh động. Thế nhưng con số tác phẩm dự thi đã cho thấy thành công của cuộc thi. Ðiều quan trọng sau khi cuộc thi kết thúc là Cục Ðiện ảnh phải khẩn trương đưa các kịch bản này lên màn ảnh rộng để kịp kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội tròn nghìn tuổi và kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2010). Như vậy, điện ảnh Việt Nam sẽ có tiền đề để tạo dựng một nền nếp lâu dài về việc xây dựng nhân vật Hồ Chí Minh, biến hình tượng trên giấy thành hình tượng sinh động và chân thật.