Khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Đổi mới, sáng tạo là yêu cầu quan trọng, cần thiết trong quá trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: DUY LINH).
Cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại Hà Nội (Ảnh minh họa: DUY LINH).

Nội dung này luôn được nhấn mạnh trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đó là cần có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Để đáp ứng mục tiêu trên, đang rất cần những giải pháp, chính sách tập trung, đủ mạnh để khuyến khích đối với cán bộ và nhất là cơ chế để bảo vệ cán bộ trong những trường hợp quyết định sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung.

Thực tiễn lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của không ít cán bộ vẫn còn những bất cập, vướng mắc.

Nhiều công việc đòi hỏi phải đi tắt, đón đầu, vấn đề mới nảy sinh, tình huống cấp bách chưa có tiền lệ, chưa được quy định, chưa có kinh nghiệm, dễ gây rủi ro, sai sót, thiệt hại hoặc dễ bị lợi dụng để làm trái, trục lợi, khiến cho cán bộ nói chung chưa phát huy được hết năng lực, tinh thần đổi mới, sáng tạo, thậm chí trì trệ vì e ngại bị xem xét trách nhiệm hình sự hoặc xử lý kỷ luật.

Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến để trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Một trong những nội dung đáng quan tâm là việc quy định cụ thể các trường hợp cán bộ khi đề xuất thực hiện các kế hoạch, đề án, ý tưởng đổi mới nhưng xảy ra sai sót, gây thiệt hại, sẽ được áp dụng các biện pháp bảo vệ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đó là, cán bộ thực hiện đề xuất trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự; cán bộ bị cản trở, gây khó khăn trong quá trình thực hiện đề xuất; cán bộ thực hiện đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất khi thấy có rủi ro, thiệt hại xảy ra hoặc có khả năng xảy ra thiệt hại;

Cán bộ thực hiện đề xuất phải chấp hành quyết định của cấp trên sau khi đã báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chấm dứt thực hiện đề xuất nhưng cấp có thẩm quyền vẫn quyết định tiếp tục thực hiện đề xuất;

Cán bộ thực hiện đề xuất chấm dứt ngay việc thực hiện đề xuất khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền; được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi thực hiện đề xuất đã được phê duyệt và cán bộ thực hiện đề xuất đã qua đời.

Nội dung nêu trên đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bởi ý nghĩa chính trị rất lớn và có tác động sâu rộng trong thực tiễn.

Tuy nhiên, để vấn đề này phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tạo cơ sở pháp lý, tạo cơ chế đủ mạnh khuyến khích, bảo vệ cán bộ thì cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, nhất là nâng cao nhận thức của cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp về ý nghĩa và tầm quan trọng, từ đó xây dựng cơ chế phù hợp chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị;

Thường xuyên phổ biến, tập huấn các quy định pháp luật liên quan cho đội ngũ, coi đây là nhiệm vụ chính trị lâu dài để lan tỏa sâu sắc tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, giúp họ thấy được quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân.

Mặt khác, đây là chính sách mới, cho nên cần mạnh dạn thí điểm nhưng phải thận trọng, vừa làm vừa tổng kết rút kinh nghiệm, tiến tới luật hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, hạn chế các hành vi lạm dụng, lợi dụng chính sách đúng đắn này để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực hoặc bao che cho hành vi sai phạm.

Đồng thời tạo sức răn đe các trường hợp gây cản trở, khó khăn cho người thực hiện đề xuất, ý tưởng đổi mới.

Về lâu dài, cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các luật gây khó khăn cho việc áp dụng;

Tích cực số hóa trong từng ngành, lĩnh vực nhằm công khai, minh bạch các quy định pháp luật, giúp người thực thi công vụ tiếp cận, tra cứu thuận lợi và đầy đủ cũng như bảo đảm phát huy quyền giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân nhất là kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thiếu sót nếu có trong quá trình thực hiện các đề xuất, cách làm đổi mới, sáng tạo, trong xử lý, triển khai công việc ở những lĩnh vực cần đi tắt, đón đầu hay các vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn, tình huống cấp bách chưa có tiền lệ.