Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo

Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW (sau đây gọi chung là Kết luận 14) về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Với thông điệp chính trị thiết thực, sâu sắc, Kết luận 14 là cơ sở quan trọng cho việc cụ thể hóa cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng  tạo vì lợi ích chung.

Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII của Đảng.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII của Đảng.

Bài 1: Thắp lửa khát vọng từ những mô hình thí điểm

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích, khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo, phát huy tối đa tài năng, trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, đảng viên và nhân dân để cống hiến cho sự nghiệp chung, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Những thành tựu to lớn qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã đưa nước ta từ một nước có nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Thành quả đó có một phần quan trọng từ việc phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy, cách làm sáng tạo, đột phá để triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng. 

Từ cơ chế “làm thử” đến yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ

Những năm trước đổi mới, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu về tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Văn kiện Đại hội V của Đảng đã đặt ra tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ở các cấp, các ngành, các đơn vị là cần phải có “tinh thần dám quyết định và dám chịu trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”(1). Đồng thời, với những vấn đề mới, khó, phức tạp và đặc biệt quan trọng thì “cần được Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo làm thử, lấy kết quả thực tế của việc làm thử mà ra quyết định”(2). Trong điều kiện thực tiễn thời điểm đó, cơ chế “làm thử” là cần thiết, kịp thời giải quyết những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, đồng thời cung cấp những cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chính sách.

Tới Đại hội VI, Đảng ta đã khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”(3). Đồng thời, để hiện thực hóa những nhiệm vụ cấp bách của giai đoạn cách mạng mới, Đảng cũng yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải “… dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm”(4). Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được khởi động từ Đại hội VI (năm 1986) cũng bắt nguồn từ chính những tư duy, cách làm đột phá, sáng tạo trong thực tiễn và được khẳng định.

Trước yêu cầu cấp thiết về nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó nhấn mạnh tiêu chuẩn “năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và vì nhân dân phục vụ”. Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ một trong những nhiệm vụ về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “…có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(5). Đồng thời, thúc đẩy thể chế đổi mới sáng tạo cũng được xác định là một trong những nội dung cốt lõi trong đột phá chiến lược thứ nhất về hoàn thiện thể chế phát triển những năm tới.

Những mô hình thí điểm hiệu quả trong thực tiễn

Một trong những chủ trương thí điểm được thực hiện có hiệu quả, phù hợp với đường lối đổi mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đó là kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Tháng 4/2006, Đại hội X đã cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân(6). Đến tháng 1/2011, tại Đại hội lần thứ XI, Đảng đã có chủ trương “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”(7). Đây là bước phát triển trong nhận thức và sự đổi mới trong tư duy lý luận quan trọng của Đảng, góp phần tăng cường trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thành phần kinh tế quan trọng này. Sau hơn 8 năm tiến hành thí điểm kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện, trong phạm vi doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở các đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào Đảng, Trung ương đã tổng kết, rút kinh nghiệm, bỏ chủ trương thí điểm. Từ đối tượng, phạm vi hẹp chuyển sang thực hiện thống nhất việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng trong toàn Đảng, không phân biệt quy mô của doanh nghiệp. Đội ngũ đảng viên tiếp tục được xây dựng, củng cố và phát triển gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

Trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi thận trọng trong từng bước triển khai. Thực hiện thí điểm là việc cần làm, từ đó cung cấp cơ sở thực tiễn vững chắc để Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp thực tế. Một trong những minh chứng đó là việc thí điểm về tổ chức chính quyền địa phương. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (năm 2005) đề ra yêu cầu xây dựng tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, trong đó đề ra giải pháp thực hiện thí điểm việc không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Sau đó, Quốc hội có Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15/11/2008, trong đó, quy định thực hiện chủ trương này tại 10 tỉnh, thành phố(8), thời gian từ tháng 4/2009 đến tháng 6/2015. Căn cứ kết quả thực hiện thí điểm, xem xét kỹ những điểm tích cực và một số hạn chế, bất cập, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, trong đó quy định chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường. Tiếp đó, Quốc hội đã xem xét, sửa đổi, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (năm 2019) và các nghị quyết cho phép thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Trong khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhiều chương trình, mô hình thí điểm cũng đã được triển khai ở các cấp, như mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh giai đoạn 2017-2020; thí điểm nhiệm kỳ đại hội Đoàn tại một số khu vực đặc thù do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện; mô hình “Người nông dân chuyên nghiệp” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp; thí điểm thương lượng tập thể nhóm doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... 

Thôi thúc khát vọng phát triển

Đại hội XIII diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường với cơ hội và thách thức đan xen. Nhiều vấn đề mới, mâu thuẫn mới nảy sinh trong thực tiễn mà thể chế pháp luật hiện hành chưa thể bao quát hết; một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán. Trong khi đó, Đại hội XIII có sứ mệnh định hướng đất nước ta phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu đó đòi hỏi phải có một đường lối phát triển vững vàng nhưng linh hoạt, phát huy tối đa mọi nguồn lực và sức sáng tạo của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là lực lượng đi đầu, là động lực của cả hệ thống chính trị, càng cần phải thể hiện vai trò nòng cốt, năng động, sáng tạo nhất để hoàn thành mục tiêu phát triển đất nước. Đại hội XIII tiếp tục khẳng định yêu cầu phải “Có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”(9).

Kết luận số 14 được ban hành kịp thời, phù hợp với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, cụ thể hóa một cách thiết thực Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là chủ trương mang tính chất đột phá và kỳ vọng xây dựng được một đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, có uy tín cao và thật sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết. Khi các cấp, các ngành quyết liệt triển khai, đưa chủ trương này vào cuộc sống sẽ tạo động lực mạnh mẽ phát triển đất nước.

(Còn nữa)

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tập 43, tr.340.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 43, tr.343.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 47, tr.459.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, tập 49, tr.277.
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 179.
(6) Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về đảng viên làm kinh tế tư nhân.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, website: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn, 2011.
(8) Gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, Đà Nẵng, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập I, tr.42.