Khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục dạy bơi an toàn cho học sinh

NDO -

Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 2 đến 15 tuổi. Trung bình, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là thông tin được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu tại hội thảo về thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh diễn ra sáng 23/9.

Lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Đăng Anh)
Lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Đăng Anh)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm 2021 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ đuối nước gây tử vong trẻ em là học sinh. Phần lớn các vụ đuối nước đều do các em rủ nhau đi bơi, đi tắm, đi chơi gần các khu nước và trượt chân... vào thời gian nghỉ học ở nhà và không có sự giám sát, quản lý của người lớn. 

Các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, đặc biệt khi trẻ em chuẩn bị nghỉ hè. Đuối nước xảy ra nhiều ở các vùng thôn quê, nơi có nhiều ao, hồ, sống suối, mương máng, nơi vắng người qua lại, bãi biển, khu du lịch..., đuối nước xảy ra ở cả trẻ em không biết bơi và trẻ em biết bơi, thậm chí bơi giỏi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay, số lượng bể bơi trong các trường phổ thông rất thấp, dẫn đến việc triển khai dạy bơi cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể triển khai trên diện rộng. Do chưa có điều kiện tổ chức dạy bơi cho học sinh, nên việc triển khai phòng, chống đuối nước đang được các trường chủ yếu tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. 

Vụ trưởng Giáo dục Thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thanh Đề cho biết, để thực hiện công tác phòng, chống đuối nước hiệu quả không chỉ dựa vào việc dạy cho học sinh biết bơi, mà phải chú trọng dạy cho các em nhận thức đúng về nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước; giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức về phòng, chống đuối nước, dần hình thành cho các em thói quen: nếu không biết bơi thì nên làm gì, làm thế nào để phòng, chống đuối nước; còn nếu biết bơi thì nên bơi ở đâu, bơi như thế nào để an toàn, khi gặp sự cố khi bơi thì cần biết các kỹ năng gì để thoát hiểm.

Đây là một trong những cách tiếp cận mới, nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, là giải pháp quan trọng để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả phòng, chống đuối nước trong bối cảnh điều kiện dạy, học bơi trong các trường nói riêng và cộng đồng nói chung hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người học.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản, chương trình, kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Rà soát, sửa đổi tiêu chí trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Xây dựng và nhân rộng mô hình trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. 

Xây dựng tờ rơi, hình ảnh khuyến cáo về nguy cơ tai nạn đuối nước để truyên truyền trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, lớp học; xây dựng tài liệu, các clip hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước từ những tình huống thực tế, cụ thể xảy trong thực tiễn cuộc sống và hướng dẫn cách phòng, tránh. Tiếp tục khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục phát động phong trào dạy và học bơi an toàn cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tiễn…