Hỏa hoạn nguy hiểm như thế nào?
Ready Campaign (một chiến dịch được phát động từ tháng 2-2003 của Mỹ nhằm tuyên truyền và trang bị cho người dân Mỹ chuẩn bị và ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại trong các tình huống khẩn cấp, bao gồm cả thảm họa do thiên nhiên và con người) đã đưa ra những khuyến cáo về các xử lý khi xảy ra hỏa hoạn tại gia đình.
Theo Ready Campaign, chỉ trong vòng hai phút, một ngọn lửa có thể đe dọa đến tính mạng và chỉ trong năm phút, một ngôi nhà có thể bị chìm trong lửa. Chưa đầy 30 giây, một ngọn lửa nhỏ có thể bùng phát hành một đám cháy lớn và thời gian chỉ tính bằng phút để khói đen dày đặc lấp đầy một ngôi nhà hay nhấn chìm ngôi nhà đó trong lửa.
Sức nóng nguy hiểm hơn các đám lửa. Nhiệt độ phòng trong một đám cháy có thể lên đến 100 độ C ở mặt sàn và có thể tăng lên tới 600 độ C ở độ cao ngang tầm mắt. Hít phải luồng không khí cực nóng như này sẽ bỏng phổi và tan chảy quần áo trên da bạn.
Đám cháy bắt đầu bằng ánh sáng nhưng sẽ nhanh chóng sản sinh ra khói đen và khiến mọi thứ hoàn toàn chìm vào bóng tối.
Khói và khí độc có thể gây chết người nhiều hơn là những ngọn lửa. Các đám cháy sản sinh ra khí độc khiến bạn mất phương hướng và buồn ngủ.
Ngạt thở là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do hỏa hoạn, cao hơn nguyên nhân tử vong do bị bỏng, với tỷ lệ 3:1.
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hồ Chí Minh (PC07), tình hình cháy, nổ ở hộ gia đình và nhà ở luôn chiếm tỷ lệ cao về cả số vụ (hơn 50%) và thiệt hại về người, tài sản. Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người.
Khuyến cáo phòng cháy tại hộ gia đình
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Phòng PC07 khuyến cáo chủ hộ và các thành viên trong gia đình cần thực hiện các biện pháp sau đây:
1. Chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC và CNCH), đồng thời tuyên truyền, phổ biến lại cho các thành viên trong gia đình.
2. Khi đun nấu phải quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt; nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Nếu dùng bếp gas phải kiểm tra toàn bộ hệ thống bảo đảm độ kín, phải có biện pháp chống chuột cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và khóa van gas. Nên lắp đặt các thiết bị cảnh báo rò rỉ khí gas và niêm yết quy trình xử lý khi phát hiện rò rỉ khí gas tại khu vực bếp; khi đun nấu phải có người trông coi, trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, tắt các thiết bị không cần thiết.
Quy trình xử lý khi phát hiện rò rỉ khí gas
Phải cảnh báo cho mọi người chung quanh biết để di chuyển ra nơi an toàn hoặc tham gia cùng xử lý; cách ly nguồn lửa, nguồn nhiệt với khu vực có gas rò rỉ.
Tuyệt đối không được bật lửa, làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bật/tắt thiết bị điện; không sử dụng điện thoại; không đi giầy, guốc có đế kim loại trên nền gạch.
Khóa van, nguồn cung cấp gas; mở tất cả cửa ra vào và cửa sổ để thông gió khu vực gas rò rỉ; báo cho nhà cung cấp gas hoặc cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH theo số máy 114 để được hỗ trợ.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an TP Hồ Chí Minh.
3. Không để các tài sản, vật tư dễ cháy gần nơi thờ cúng; trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy. Đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật không cháy và cách xa vật dễ cháy; hạn chế tối đa đồ vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Chỉ đốt nến, thắp hương khi có người ở nhà trông coi. Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
4. Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy trong gia đình phải ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m. Hạn chế không nên để xăng, dầu, khí đốt, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần thiết thì chỉ nên dự trữ số lượng tối thiểu đáp ứng nhu cầu sử dụng và bảo quản ở nơi thông thoáng; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Không buôn bán, tàng trữ trái phép pháo, pháo hoa nổ.
5. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi chìa khóa dễ lấy, dễ thấy. Các cửa phía trong nhà nên sử dụng loại chốt gạt không nên sử dụng khóa, vẫn bảo đảm chống trộm.
6. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra.
7. Không sạc điện thoại, thiết bị tiêu thụ điện ban đêm.
8. Đối với hệ thống điện:
Hệ thống điện cần được thiết kế, lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng; phải lắp thiết bị tự ngắt (aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn.
Không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện trên cùng một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…
Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn neon; không bố trí hệ thống điện (dây dẫn, ổ cắm, thiết bị) sát gần các trần, vách các vật liệu dễ cháy.
9. Trang bị các dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên; mua dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy.
10. Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ hai, thứ ba… ngoài cửa chính; phương tiện phá dỡ mái che, phá khóa, phá cửa… mở lối thoát; thang tre, thang dây để thoát nạn); mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn bông… để che chắn mặt, cơ thể… khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm; không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.
Quy trình xử lý khi có cháy, nổ xảy ra ở hộ gia đình
Thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.
Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.
Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, dưới gầm giường, nhà vệ sinh…Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.
Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, đi chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người chung quanh được biết.
Nếu đám cháy chưa phát triển lớn, tiến hành ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ để chữa cháy ngay từ ban đầu (như bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…). Đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114.
Một thiết bị báo khói hoạt động tốt tăng cơ hội sống sót đáng kể trong một vụ hỏa hoạn lớn ở mỗi gia đình.
Thay pin thiết bị báo khói hai lần một năm, trừ khi bạn đang sử dụng thiết bị báo khói sử dụng pin Lithium có tuổi thọ 10 năm.
Lắp đặt các thiết bị báo khói ở mọi tầng trong ngôi nhà của bạn, bao gồm cả tầng hầm.
Thay thế toàn bộ các thiết bị báo khói 10 năm một lần hoặc theo chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Đừng bao giờ vô hiệu hóa bất cứ thiết bị báo khói nào trong khi đang nấu nướng, đó có thể là một sai lầm chết người.
Ready Campaign khuyến cáo.