Ngày 7-1, Nga xác nhận đã cắt toàn bộ hoạt động cung cấp khí đốt qua lãnh thổ Ukraine tới châu Âu, nơi có khoảng 80% lượng khí đốt phụ thuộc nguồn cung từ Mát-xcơ-va. Khí đốt từ Nga tới ít nhất 17 nước châu Âu bị giảm mạnh, hoặc bị cắt hoàn toàn. Ủy ban châu Âu (EC) phải ra tuyên bố kêu gọi Nga và Ukraine nối lại ngay cuộc đàm phán để giải quyết dứt điểm xung đột khí đốt song phương, tránh lặp lại kịch bản năm 2006 khi châu Âu rơi vào tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông giá rét, do Nga ngừng cung khí đốt cho Ukraine.
Từ sáng 6-1, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Hy Lạp, Croatia và Macedonia đã không nhận được khí đốt của Nga vận tải quá cảnh lãnh thổ Ukraine. Áo, Ba Lan, Hungary và Romania thông báo chỉ nhận được từ 10% đến 25% lượng khí đốt của Nga. Lượng khí đốt cấp cho Slovakia cũng giảm 70%, khiến Chính phủ nước này xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp. Lượng khí đốt Pháp nhận được giảm 70%, Italia giảm 90%. Chính phủ Serbia lập Ủy ban khẩn cấp để giải quyết vấn đề này. Bulgaria, nước duy nhất ở Ban-căng phụ thuộc hoàn toàn nguồn cung từ Nga, đã rơi vào tình trạng khủng hoảng khí đốt trong điều kiện thời tiết âm 15 độ C. EC đánh giá tình hình là "khủng hoảng và nghiêm trọng". Séc, Chủ tịch luân phiên Liên hiệp châu Âu (EU) đề nghị triệu tập cuộc gặp cấp cao EU - Nga - Ukraine về vấn đề khí đốt.
Trong khi đó, Nga và Ukraine tiếp tục đổ lỗi cho nhau gây tình trạng gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tập đoàn Gazprom của Nga cáo buộc Kiev khóa vòi ba trong bốn đường ống dẫn khí đốt của Nga sang châu Âu. Tổng thống Ukraine V.Y-u-sen-cô lại khẳng định Nga cố ý giảm đáng kể hoặc ngừng bơm khí đốt qua Ukraine tới châu Âu. Thực tế, đến ngày 6-1, Nga đã giảm bốn lần lượng khí đốt bơm vào hệ thống này, còn ở mức 73,8 triệu m3/ngày so với 314,6 triệu m3/ngày trước đó. Gazprom cũng cáo buộc Kiev rút trộm khoảng 25 triệu m3 khí đốt/ngày từ lượng khí đốt trung chuyển qua Ukraine và khẳng định Kiev đã không thực hiện Tuyên bố chung ngày 1-1-2009, trong đó Ukraine bảo đảm vận chuyển liên tục và an toàn khí đốt của Nga sang châu Âu, Kiev cũng vi phạm Hiến chương năng lượng mà Ukraine đã tự nguyện phê chuẩn.
Công ty khí đốt Ukraine Naftogaz cắt đứt đàm phán với Gazprom từ ngày 31-12-2008 do những bất đồng khó hóa giải giữa hai bên chung quanh khoản Ukraine nợ Nga giá mua, bán và trung chuyển khí đốt. Căng thẳng dâng cao khi Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt khoảng 90-110 triệu m3 khí đốt cho Ukraine ngay ngày đầu năm mới 2009. Gazprom cho biết, Ukraine còn nợ hơn hai tỷ USD tiền mua khí đốt, trong đó có 450 triệu USD tiền phạt do trả nợ chậm và tập đoàn này sẽ tăng giá khí đốt bán cho Ukraine theo giá thị trường là 450 USD/1.000 m3. Gazprom cáo buộc Kiev đã thổi phồng cuộc tranh cãi khí đốt với Mát-xcơ-va và khẳng định, các vấn đề nảy sinh chung quanh việc cung cấp khí đốt xuất phát từ những tranh chấp về chính trị tại Ukraine. Trong khi đó, Naftogaz cho biết mức giá Ukraine có thể chấp nhận được là 201 USD/1.000 m3 khí đốt và phí vận chuyển quá cảnh Ukraine cho các khách hàng châu Âu là 2,05 USD/1.000 m3/100 km ống dẫn. Naftogaz khẳng định sẽ trả tiền nợ khí đốt năm 2008 cho Gazprom vào ngày 11-1 tới và từ chối trả khoản tiền phạt 450 triệu USD.
Cuộc khủng hoảng khí đốt giữa Nga và Ukraine cho thấy sự phụ thuộc của cả Mát-xcơ-va và các nước châu Âu vào một đường ống dẫn khí xuất khẩu. Năm 2008, Tập đoàn Gazprom cung cấp cho các nước EU 40% lượng khí đốt xuất khẩu của tập đoàn này, trong đó 80% trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine. Ðể bù cho khách hàng châu Âu lượng khí đốt hiện bị thiếu hụt khi trung chuyển qua Ukraine, Gazprom quyết định tăng lượng khí đốt trung chuyển qua lãnh thổ Belarus, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và mua lại khí đốt tại các kho dự trữ ở châu Âu.
Gazprom cho rằng Ukraine phải thanh toán số tiền mua khí đốt trên và như vậy khoản nợ của Ukraine sẽ lên vài tỷ USD. Nga đang đặt hy vọng vào hai tuyến đường ống ngầm chạy qua biển mang tên Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Nam, một qua biển Ban-tích cung cấp khí đốt cho các khách hàng ở Ðức và Hà Lan; một qua biển Ðen cho Bulgaria, Italia và Áo. Việc nhiều nước châu Âu trở thành nạn nhân của cuộc tranh cãi về khí đốt giữa Nga và Ukraine hơn lúc nào hết thúc đẩy EU đa dạng hóa nguồn cung năng lượng nhằm giảm phụ thuộc Nga, trong đó có kế hoạch tài trợ xây dựng đường ống dẫn khí đốt Nabucco, từ biển Ca-xpi và Iran qua Thổ Nhĩ Kỳ và không qua Nga. Tuy nhiên, kế hoạch này có thể gây chia rẽ EU, giữa các nước ủng hộ với Ðức, Pháp và Italia do còn lo ngại thiếu nhà cung cấp đáng tin cậy.
CÁC nhà phân tích dự báo, cuộc khủng hoảng về khí đốt giữa Mát-xcơ-va và Kiev chưa thể hóa giải ngay trong thời điểm hiện tại do tồn tại nhiều bất đồng khó giải quyết và có thể tiếp tục leo thang. Dù cả hai phía vẫn khẳng định sẵn sàng ngồi lại vào bàn thương lượng và theo kế hoạch nối lại đàm phán vào ngày 8-1, nhưng tính chất phức tạp chung quanh vấn đề khí đốt giữa Nga và Ukraine vẫn khiến các cuộc đàm phán sắp tới gặp nhiều khó khăn.
BÍCH HẠNH