Khủng hoảng gạo ở Philippines gây báo động về lạm phát toàn cầu

Giá gạo tăng ở Philippines có thể là tín hiệu cảnh báo đối với các nhà nhập khẩu lương thực lớn, khi hậu quả từ lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục lan rộng khắp châu Á và Tây Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân kiểm kê gạo bên trong nhà kho dự trữ của chính phủ tại tỉnh Bulacan, Philippines. (Ảnh: Bloomberg)
Công nhân kiểm kê gạo bên trong nhà kho dự trữ của chính phủ tại tỉnh Bulacan, Philippines. (Ảnh: Bloomberg)

Lạm phát gạo ở quốc gia Đông Nam Á này đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 5 năm vào tháng 8 vừa qua. Ngân hàng trung ương Philippines cảnh báo sẵn sàng tiếp tục thắt chặt tiền tệ nếu cần, trong khi các nước khác đang gấp rút bảo đảm nguồn cung.

Theo nhà kinh tế Shirley Mustafa tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), thị trường gạo hiện nay chứng kiến rất nhiều điều bấp bênh. Áp lực về giá đang trở nên trầm trọng hơn bởi những lệnh kiểm soát từ các nước xuất khẩu lớn.

Lệnh cấm của Ấn Độ đã gây đảo lộn thị trường lương thực và khiến các quốc gia lo lắng về việc bảo đảm nguồn cung. Cùng lúc đó, các chính phủ phải nỗ lực kiềm chế giá gạo gia tăng vì đây vốn là lương thực quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của hàng tỷ người trên khắp châu Á và châu Phi.

Chính phủ Philippines đã đặt mức trần giá gạo vào đầu tháng 9 do giá bán lẻ tăng báo động.

Đảm bảo nguồn cung gạo là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, buộc các nhà lãnh đạo phải khẩn trương hành động. Do đó, Philippines đang lên kế hoạch về một hợp đồng 5 năm với Việt Nam.

Senegal đang tiến hành các đề nghị ngoại giao với Ấn Độ, tương tự cách thức mà các nước Guinea và Singapore thực hiện để bảo đảm nguồn cung.

Indonesia ký thỏa thuận cung cấp với Campuchia lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ. Bản hợp đồng có khối lượng lên tới 250.000 tấn mỗi năm, gấp đôi khối lượng của hợp đồng tương tự vào năm 2012. Jakarta đã cam kết hỗ trợ 10 kg ngũ cốc mỗi tháng cho hàng triệu hộ nghèo trong quý 4 năm nay.

Nhiều quốc gia cũng đang thực hiện các bước để ngăn chặn giá gạo gia tăng. Malaysia đã áp đặt giới hạn mua hàng và bắt tay vào việc kiểm tra các nhà bán buôn và nhà xay xát thương mại, trước những cáo buộc rằng gạo trong nước đang bị bán dưới dạng gạo nhập khẩu với giá cao hơn.

Myanmar cũng đã áp đặt một hệ thống bắt buộc ghi lại khối lượng gạo dự trữ để kiểm soát giá trong nước và ngăn chặn tình trạng đầu cơ.

Thị trường gạo đã hạ nhiệt vào tuần này nhờ giá gạo châu Á giảm nhẹ. Tuy nhiên, giá của loại ngũ cốc này vẫn dao động gần mức cao nhất kể từ năm 2008.

Cần cảnh giác với an ninh lương thực toàn cầu. Đó là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế. Đặc biệt ở nhiều nước châu Phi, nơi loại gạo tấm vốn được ưa chuộng và được tiêu thụ trung bình 70 kg/người/năm, giá gạo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, mặc dù châu Âu được mùa lúa gạo, nhưng giá cả lại không có xu hướng giảm, thậm chí còn tăng lên. Giải thích nguyên nhân này, ông Bertrand Mazel, Chủ tịch Liên minh Người trồng lúa Pháp, cho biết: "Sản lượng gạo ở châu Âu năm nay sẽ đạt gần 3 triệu tấn, nhưng lượng tiêu thụ lại lên đến gần 4 triệu tấn”.

Việc cung không đáp ứng được cầu sẽ khiến giá gạo trên thị trường thế giới vẫn luôn ở mức cao. Do đó, người nông dân có thể phấn khởi khi gạo của họ vẫn luôn được giá. Ông Mazel chỉ rõ: “Tại thị trường gạo Vercelle ở Italy, giá gạo vẫn ở mức 600 euro/tấn kể từ đầu năm, so với 400 euro/tấn cách đây 18 tháng”.