Khủng hoảng di cư đe dọa kinh tế thế giới

TTXVN dẫn nhận định của giới chuyên gia thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Liên hiệp châu Âu (EU), làn sóng di dân vào châu Âu đang đặt ra thách thức lớn đối với châu lục và thế giới. Theo IMF, kinh tế châu Âu có thể đối mặt viễn cảnh u ám, do hàng loạt áp lực xuất phát từ xu hướng ngày càng nhiều nước muốn rút khỏi EU, trong khi cuộc khủng hoảng di cư tạo áp lực lớn đối với việc mở cửa biên giới và sự luân chuyển người lao động, tác động tiêu cực kinh tế châu lục.

Người di cư đổ về biên giới Xlô-vê-ni-a - Crô-a-ti-a.
Người di cư đổ về biên giới Xlô-vê-ni-a - Crô-a-ti-a.

* Tại cuộc họp báo ở Brúc-xen, Ủy viên phụ trách chính sách châu Âu và láng giềng G.Han khẳng định, cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay cho thấy tầm quan trọng của chiến lược hợp tác chặt chẽ giữa EU với các nước Tây Ban-căng và Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Han nhấn mạnh, tăng cường hợp tác với các quốc gia đối tác này là điều cấp thiết nếu “lục địa già” muốn giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, nhất là trong việc xác định người tị nạn cần bảo vệ và chống nạn buôn người.

* Ngày 10-11, Xlô-vê-ni-a tuyên bố sẽ dựng các chướng ngại vật dọc biên giới với Crô-a-ti-a để ngăn người di cư trái phép. Thủ tướng Xlô-vê-ni-a M.Xê-ra nêu rõ, các chướng ngại vật, gồm cả hàng rào thép gai nếu cần thiết, chỉ được dựng tạm nhằm đối phó dòng người di cư, chứ không phải đóng cửa biên giới. Xlô-vê-ni-a muốn tránh thảm họa nhân đạo khi làn sóng nhập cư trái phép vào nước này tăng mạnh tuần qua.

* Các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục tại CH Séc tổ chức chuỗi hội thảo tại các trường trung học phổ thông ở thủ đô Pra-ha, với chủ đề “Tôi có thể giúp bạn”, trong bối cảnh dư luận Séc đang nóng về vấn đề đối xử với người nhập cư trong các trại tị nạn. Mục đích của các cuộc hội thảo là giáo dục tính nhân văn cho học sinh, ngăn chặn hành vi cực đoan của tuổi mới lớn đối với người nhập cư, thúc đẩy cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ hơn là ghét bỏ, thù hận với họ.