13 năm chọi cờ bên dòng Bến Hải
Năm nay đã 92 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Thanh Hà - nguyên phân đội trưởng phân đội 1, Công an giới tuyến vẫn còn rất minh mẫn.
Ông kể lại: “Ngày 30/7/1954 sau khi Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết hơn 1 tuần, tôi nhận nhiệm vụ ra Vĩnh Linh để chuẩn bị thành lập Công an giới tuyến theo quyết định của Liên khu ủy Liên khu IV. Đến giữa tháng 8, đại đội hình thành với 100 cán bộ, chiến sĩ của các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong, triển khai về 10 đồn dọc tuyến từ Cửa Tùng đến bến Tây. Phía đối diện, đại đội Cảnh sát của Liên hiệp Pháp ở bờ Nam cũng thành lập 9 đồn canh gác tương tự”.
Ngày 28/8/1954, nhằm chuẩn bị cho Lễ Quốc khánh đầu tiên sau hòa bình, cấp trên yêu cầu cần phải có cột cờ để bà con qua lại hai miền “cùng nhìn thấy Tổ quốc”. Ngay lập tức, một tổ công tác đặc biệt được thành lập, lên rừng chặt một cây gỗ phi lao cao 12m về dựng cột. Đúng sáng 2/9, lá cờ đỏ sao vàng khổ 3,2x4,8m đã đón gió tung bay, như biểu tượng của hy vọng đoàn viên, thống nhất. Người dân náo nức tràn qua Hiền Lương để đón Tết Độc lập.
Không chịu thua, quân Pháp liền cho cắm cờ của chúng lên nóc lô cốt cao 15m tại làng Xuân Hòa, xã Trung Hải (Gio Linh). Lúc này, việc đi lại còn tự do nên bà con ở bờ Nam trực tiếp sang bờ Bắc yêu cầu các chiến sĩ công an phải tìm cách nâng chiều cao cột cờ của ta. Các chiến sĩ lại về Rú Lịnh (Vĩnh Hòa) tìm được cây gỗ cao 18m về thay.
“Lần này, chúng ta đã kéo lên một lá cờ to hơn với diện tích lên tới 32m2. Đứng từ bên kia vĩ tuyến, mọi người có thể thấy rõ lá quốc kỳ đang vươn lên trên mặt sông Bến Hải”, Đại tá Thanh Hà say mê nhớ lại.
Cuộc “chọi cờ” tiếp tục căng thẳng khi tháng 2/1956, sau khi chuyển giao chính quyền, Ngô Đình Diệm cho xây dựng hẳn một kỳ đài bằng xi-măng cốt thép kiên cố có chiều cao là 30m, trên đỉnh treo cờ Việt Nam Cộng hòa có đèn neon nhấp nháy đủ màu. Trước sự khiêu khích đó, tháng 7/1957, nhân kỷ niệm 3 năm ngày ký hiệp định Genève, một cột cờ bằng thép ống cao 32m đã được Khu Vĩnh Linh lắp đặt. Cột cờ được sơn màu trắng, trên đỉnh gắn ngôi sao bằng đồng, năm cánh có gắn 15 bóng điện loại 50W.
Năm 1961, cột cờ bờ Nam được nâng lên 35m thì tới năm 1962, nhân dịp sửa lại cổng chào và Đồn Công an Hiền Lương bị hư hại do bão, miền Bắc cử một đơn vị công binh và đưa vật liệu từ Hà Nội vào giới tuyến xây dựng trụ cờ mới bằng thép ống cao 38,6m. Trụ cờ được thiết kế thêm một cabin ở đốt cuối cùng để ta kéo và thu cờ được thuận tiện hơn. Lúc này, phía bờ Nam đành chịu thua trong cuộc chọi cờ vì “không đủ can đảm để leo lên treo cờ ở một độ cao lớn như thế”. Vì vậy, cả hai cột cờ cùng dừng lại ở 2 độ cao đó.
Ông Nguyễn Đức Lãng - chiến sĩ công an nhận trọng trách may cờ Tổ quốc giai đoạn này hồi tưởng: “Cuộc 'đấu cờ' ngày càng căng thẳng, nên yêu cầu đặt ra của chúng ta khi đó không chỉ là dựng kỳ đài cao hơn mà còn phải may quốc kỳ lớn hơn”.
Nhận nhiệm vụ này, ông Lãng cặm cụi đạp xe ra Ty thương nghiệp Vĩnh Linh để nhận vải. Nhẩm đếm chi li, ông bảo: “Để may lá cờ 96m2, tôi lĩnh 122m vải đỏ, 12m vải vàng. Máy may thì được Cục Hậu cần cấp trước đó. Trung bình mất khoảng 2-5 ngày tôi sẽ hoàn thành xong một lá quốc kỳ. Mỗi đường ráp phải máy đi máy lại đến 3-4 đường cho chắc chắn hòng chống chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là sức gió rất lớn ở Hiền Lương”.
Không thể dựng cờ cao hơn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tìm cách phá cờ bằng việc huy động hàng trăm máy bay ném bom, hàng chục nghìn đạo pháo cỡ lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra và từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào kỳ đài bờ Bắc. Cuộc chiến đấu giữ lá quốc kỳ từ đây cũng chính thức bước vào giai đoạn khốc liệt nhất khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc.
“Ngày nào tim còn đập thì lá cờ còn bay…”
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hà, bắt đầu từ sau năm 1965, nhiệm vụ của lực lượng công an là “bằng mọi giá giữ cho lá cờ tung bay ở giới tuyến”.
“Cờ đỏ sao vàng trên bầu trời Vĩnh Linh là điểm mốc để đồng bào miền Nam trông về, đồng thời cũng là biểu tượng cho khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của toàn dân tộc. Bởi thế, chúng tôi luôn xác định: Ngày nào tim còn đập thì lá cờ sẽ còn bay”, ông Hà nói.
Ông Nguyễn Đức Lãng vẫn nhớ như in những ngày đầu khi quân đội miền Nam đánh ra Vĩnh Linh vào năm 1965. Lúc đầu, ông vẫn cố gắng trụ lại đơn vị, nhưng do tình hình căng thẳng, sau 1 tháng, tất cả đã buộc phải sơ tán. Ban hậu cần của ông khi đó nằm cách trụ sở Công an Vĩnh Linh chừng 2km.
“Để bảo đảm luôn có cờ dự phòng thay thế, chúng tôi duy trì việc may quốc kỳ dưới những hầm đất rộng chỉ khoảng 8m2. Khi ráp xong nền đỏ, cả ban sẽ căng cờ dưới những bụi lồ ô để tránh lộ rồi mới may thêm sao vàng vào”, ông Lãng kể lại.
Trong ký ức của những người chiến sĩ bảo vệ giới tuyến khi ấy, sự kiện đáng nhớ nhất là vào ngày 2/8/1967 khi máy bay bắn phá, đánh sập một nhịp cầu Hiền Lương cùng với cột cờ bên bờ Bắc. Hiền Lương không thể vắng bóng cờ. Bằng mọi giá phải dựng được lại kỳ đài! Lời hiệu triệu của non sông khiến tất cả sục sôi. Ngay trong đêm đó, dân quân vùng bắc vĩ tuyến 17 đã dùng cột điện, nối gỗ để dựng nên một cột cờ mới. Sáng hôm sau, cờ đỏ sao vàng đã lại phần phật tung bay.
Không chấp nhận nhìn kỳ đài thiêng liêng đổ gục, các chiến sĩ bờ Bắc quyết định “phản công”. Chỉ lên tấm ảnh đã cũ kỹ treo trên tường, Đại tá Hà hồ hởi kể lại: “Ngay trong đêm 3/8, tức chỉ một ngày sau khi cột cờ bờ Bắc bị bắn phá, một tổ đặc công do đồng chí Hồ Sỹ Chất chỉ huy đã mang theo 45kg bộc phá, vượt sông, áp sát và đánh sập cột cờ của Mỹ Ngụy. Toàn bộ cảnh sát ngụy đã bỏ đồn chạy. Lá cờ 3 sọc từ đó cũng không còn hiện diện phía đầu cầu bờ Nam nữa”.
Theo ông Trần Văn Minh – Phó Ban quản lý Cụm di tích Hiền Lương: Trong suốt những năm chia cắt hai miền, quốc kỳ Việt Nam chưa từng ngừng bay bên bờ sông Bến Hải. Cột gãy thì thay mới. Cờ rách thì đã có những người mẹ, người chị anh hùng tình nguyện ngày đêm vá lại. Tính từ năm 1956 đến năm 1967, chúng ta đã treo 267 lá cờ các cỡ. Dân và quân Vĩnh Linh trải qua hơn 300 trận chiến đấu lớn nhỏ để giữ kỳ đài Hiền Lương. Riêng trong năm 1967 đã có 11 lần cột cờ được thay, 42 lần thay quốc kỳ vì bom và pháo Mỹ Ngụy phá hỏng. Đã có 2 chiến sĩ công an, 11 dân quân Hiền Lương anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu giữ cho lá cờ thiêng liêng không ngừng tung bay…
Năm 2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm Ngày thống nhất đất nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương đúng theo nguyên mẫu tại bờ Bắc sông Bến Hải với chiều cao 38m, trong đó, phần đài cao 11,5m.
Hằng năm, vào ngày 30/4 lịch sử, Quảng Trị cũng tổ chức Lễ thượng cờ Thống nhất non sông như để nhắc nhớ các thế hệ hôm nay thấm thía hơn về khát vọng thống nhất và giá trị của hòa bình.
Lá cờ “để tang”
Kể về kỷ niệm sâu sắc nhất của mình suốt những tháng năm may và giữ cờ Hiền Lương, ông Nguyễn Đức Lãng kể lại: “Đó là vào một đêm đầu tháng 9/1969, tôi bất ngờ được gọi lên Ban chỉ huy. Ngồi chờ khoảng 2 tiếng thì nhận được thông báo: Bác Hồ đã mất. Cấp trên giao nhiệm vụ phải may ngay một dải khăn tang để đeo lên cờ Hiền Lương.
Sáng hôm sau, tôi qua Ty Thương nghiệp lấy 50m vải đen về. 12m trong số này là để may băng tang cho quốc kỳ. Vừa làm, nước mắt tôi vừa trào ra giàn giụa.
Vào thời khắc lá cờ rủ đeo tang được kéo lên, tất cả bà con hai bờ đều đứng ra nhìn lên và khóc.