Do đó, các hãng hàng không cần nhiều phương án, giải pháp nỗ lực tự thân cùng sự hỗ trợ của Chính phủ để duy trì hoạt động, phấn đấu thoát khỏi khủng hoảng và có lãi từ năm 2024.
Gian nan chặng đường phục hồi
Theo nhận định của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không dân dụng thế giới cho thấy, phải sang năm 2024, tổng sản lượng hành khách mới có thể đạt 103% so thời điểm năm 2019. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau dịch Covid-19 được đánh giá hồi phục chậm nhất, cuối năm năm 2024, đầu năm 2025 khả năng mới quay về bằng sản lượng như năm 2019.
IATA cũng dự báo mức lỗ của các hãng hàng không trên thế giới năm 2022 khoảng 9,7 tỷ USD (năm 2020, mức lỗ 133 tỷ USD) và có thể xấu hơn do yếu tố giá nhiên liệu xăng Jet A1 tăng cao; trong đó, riêng khu vực châu Á mức lỗ khoảng 8,9 tỷ USD, nguyên nhân từ việc Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) vẫn thực hiện chiến lược “Zero Covid”, đóng cửa hạn chế khai thác bay đi-đến các nước này.
Ở trong nước, đối với hãng hàng không Vietnam Airlines, lượng khách nội địa trong tháng 8 đã vượt cao hơn cùng kỳ năm 2019 tới 35%, trong cả 8 tháng năm nay cũng cao hơn tới 18%. Tuy nhiên, đội máy bay của Vietnam Airlines vẫn đang dư thừa khoảng 25% năng lực. Khi thị trường quốc tế chưa phục hồi, các hãng đều tập trung đưa máy bay vào khai thác bay nội địa, dẫn đến dư thừa cung ứng.
Dù giá nhiên liệu bay tăng rất cao nhưng giá vé trung bình vẫn thấp hơn khoảng 11% so với năm 2019, nhiều chuyến bay không đủ bù chi phí. Mặt khác, trong 8 tháng, lượng khách quốc tế chỉ bằng 18% so năm 2019. Tháng 8 vừa qua, tuy lượng khách quốc tế tăng lên, tình hình có khả quan hơn song cũng mới bằng 38% so năm 2019.
Những rủi ro, thách thức trong thời gian tới như vấn đề bất ổn địa chính trị, chiến sự tại Nga-Ukraine, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu,... đã kìm chân các hãng hàng không rất lớn trong quá trình phục hồi. Kế đó là việc giá nhiên liệu bay duy trì ở mức cao (khoảng 130 USD/thùng Jet A1 so với mức bình quân 74USD/thùng năm 2019). Theo tính toán, với quy mô của Vietnam Airlines hiện tại, giá nhiên liệu cứ tăng lên USD, có thể làm tăng tổng chi phí của hãng lên thêm 145-150 tỷ đồng/năm.
Biến động tỷ giá cũng là một trong những thách thức lớn với các hãng hàng không nói chung cũng như Vietnam Airlines. Đồng tiền USD tăng cao trong khi các đồng tiền bản địa ở các nước hãng đang khai thác như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu,… lại bị mất giá mạnh. Các yếu tố bất lợi khách quan dồn vào cùng thời điểm khiến các hãng hàng không chịu “thiệt đơn, thiệt kép”.
Kỳ vọng có lãi từ cuối năm 2023
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, mặc dù vừa qua, một số hãng hàng không công bố báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 có lãi, song nghiên cứu kỹ báo cáo tài chính thì không có hãng nào có lãi nếu chỉ kinh doanh vận tải hàng không đơn thuần. Lợi nhuận của các hãng hàng không khác phụ thuộc nhiều vào kết quả từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác bổ trợ cho hoạt động vận tải hàng không và phương thức hạch toán được doanh nghiệp đó áp dụng.
Đơn cử, các hãng khác còn có nhiều khoản khác bù đắp cho vận tải hàng không như thu nhập từ hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư. Ngay trong số thu nhập từ hoạt động tài chính lại có thêm doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động tài chính khác rất lớn nhưng không được công bố rõ phát sinh từ đâu. Kể cả hoạt động đầu tư cũng có lợi nhuận từ khoản hoạt động đầu tư khác rất lớn để bù đắp cho vận tải hàng không.
Trong khi đó, đối với Vietnam Airlines, ngoài vận tải hàng không thì không kinh doanh gì khác để có lợi nhuận bù đắp thêm. Cổ đông lớn nhất là nhà nước chỉ có thể hỗ trợ hãng về giải pháp vay ưu đãi và phát hành thêm cổ phiếu.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, hãng hàng không Vietnam Airlines bằng mọi giải pháp tiết giảm chi phí, đã giảm lỗ được 1.440 tỷ đồng, giảm đáng kể so với kế hoạch đặt ra. Theo kế hoạch, mức lỗ cả năm 2022 của Vietnam Airlines có thể lên tới 9.335 tỷ đồng, thấp hơn so mức lỗ dự kiến đưa ra.
Hãng cũng đẩy mạnh tái cơ cấu tài sản (trọng tâm là bán máy bay cũ, bán và thuê lại một số máy bay), tái cơ cấu danh mục đầu tư để có thêm nguồn tiền; từng bước triển khai tái cơ cấu tổng thể khi được cấp thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là phương án phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Theo kỳ vọng, nếu không có các yếu tố bất thường xảy ra, từ cuối năm 2023, hãng có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019 và bắt đầu có lãi.
Nửa đầu năm 2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ gồm Anh, Pháp, Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia. Hãng cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, hãng đã xây dựng Đề án cơ cấu lại Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 và Đề án tổng thể tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch. Đề án đã đưa ra các giải pháp để hãng có thể tăng thu nhập, thoát âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế 3 năm liên tiếp cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ với tư cách sở hữu hơn 86% cổ phần của hãng để thoát âm vốn.
Hãng tiếp tục kiên trì thực hiện các giải pháp đàm phán cắt giảm, giãn hoãn các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau; bán và cho thuê máy bay,… tìm mọi giải pháp tăng doanh thu như khôi phục, mở các đường bay quốc tế thu hút khách du lịch, khách đầu tư. Đồng thời, đẩy nhanh tái cơ cấu thoái vốn ngoài doanh nghiệp để giải quyết âm vốn chủ sở hữu.
Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phần tăng vốn trong giai đoạn 2022-2023 và cân nhắc tiếp tục tăng vốn trong năm 2024-2025 trường hợp ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Hình thức phát hành cổ phiếu là chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư mới.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng tính toán phương án triển khai huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua phát hành trái phiếu trong nước hoặc ra quốc tế trong giai đoạn 2023-2024 theo hình thức phù hợp và khả thi (phát hành riêng lẻ hoặc ra công chúng), vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, vay tín dụng xuất khẩu,...
Sau khi Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền thông qua, hãng sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu toàn diện, triển khai các giải pháp từ nội lực của doanh nghiệp như tái cơ cấu tài sản, đội tàu bay, tái cơ cấu danh mục đầu tư, tái cơ cấu nguồn vốn. Công tác tái cơ cấu tổ chức được thực hiện quyết liệt theo hướng tinh gọn, giảm tầng nấc trung gian, đổi mới quản trị tập trung xây dựng, điều chỉnh lại quy chế, quy trình thực hiện công việc, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.