Không có phép mầu nào ngoài nỗ lực của bản thân

Hiện nay, giao dịch thương mại trên in-tơ-nét không còn là điều xa lạ trong sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên, trục lợi từ sự mê tín dị đoan của một số người dẫn tới hiện tượng “chợ bùa ngải” nở rộ trên mạng xã hội đã và đang khiến dư luận lo ngại, vì ẩn chứa trong đó những hệ lụy khó lường, nên rất cần phải được ngăn chặn triệt để.

Giống như một số mặt hàng khác, “chợ bùa ngải” trên mạng xã hội hiện rất phong phú, đa dạng, theo đúng kiểu “có cầu ắt có cung”. Điểm qua có thể thấy từ “ngải yêu”, “bùa cầu lộc, cầu tài” đến “thẻ phép”, “gương chú”, “vật hộ mệnh tránh mọi tai ương rủi ro”,... Lời quảng cáo có cánh về sự linh nghiệm tuyệt đối của các loại bùa ngải dễ khiến những ai quan tâm bị hoa mắt, xiêu lòng vì nghĩ rằng chỉ cần sở hữu những vật phẩm này có thể giúp họ giải quyết mọi khó khăn, bất trắc trong cuộc đời, nhanh chóng làm giàu! Thí dụ, người ta cho rằng nếu ai đó đang thất vọng vì người mình yêu không đáp đền tình cảm đơn phương có thể sử dụng “ngải yêu” khiến đối tượng không thể thoát khỏi “lưới tình”! Hoặc nếu ai đó đang làm ăn lụi bại có thể dùng “bùa cầu lộc, cầu tài” để đổi đời! Ngoài những loại bùa mang tính truyền thuyết, lưu truyền trong dân gian thì hiện nay chợ bùa ngải thời kinh tế thị trường sinh sôi nảy nở thêm vô vàn loại bùa ngải mà không ai biết rõ nguồn gốc xuất xứ của chúng, như “bùa nói”, “bùa đất đai”, “bùa bất động sản”, “thẻ phép kinh doanh”,...! Thời công nghệ số, người có nhu cầu chỉ ngồi một chỗ là thoải mái tìm thông tin trên các cửa hàng bùa ngải online về đủ loại bùa ngải đáp ứng được nhu cầu của mình, họ trao đổi mặc cả với người bán, và khi đã thuận mua vừa bán thì chuyển tiền qua tài khoản và hàng sẽ được chuyển đến tận nơi. Giá cả của những mặt hàng này không hề rẻ chút nào. Theo mô tả trên mạng, “ngải yêu” chỉ là một dúm bột mầu xám, không rõ thành phần cấu tạo nhưng giá lên đến vài triệu đồng! Thậm chí các loại bùa dành cho buôn bán, kinh doanh, bùa có nguồn gốc từ nước ngoài,... còn lên tới cả chục triệu đồng!

Có thể nói việc kinh doanh bùa ngải hiện nay là một hình thức trục lợi từ sự mê tín dị đoan của một bộ phận người dân. Bởi chỉ phân tích một cách đơn giản có thể thấy sự vô lý của nhiều loại bùa ngải, như: không có thần dược nào giúp một người học kém bỗng nhiên lại thành học giỏi; người nói năng vụng về, ấp úng bỗng thành một nhà hùng biện tài ba; người kinh doanh thất bát bỗng nhiên tiền về đầy túi... Qua đó có thể thấy, “sáng tạo phi thường” của bùa ngải chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng mê muội của cá nhân mà thôi. Vì nếu bùa ngải thật sự có các khả năng đầy công hiệu như vậy, chắc chắn là con người không cần phải nhọc công học hành, nỗ lực phấn đấu mà chỉ cần bỏ tiền mua đủ loại bùa chú là chúng sẽ giúp đạt được mọi ước nguyện! Thực tế cho thấy đã có không ít người tiền mất tật mang khi mua những loại bùa ngải này với mong muốn “đổi đời”. Kỳ quái hơn nữa là ở chỗ có loại bùa ngải chế tạo từ tóc, da, móng tay, máu, tro bếp,... thậm chí từ nước tiểu, và việc trộn các nguyên liệu không có bất kỳ cơ sở khoa học nào để chế ra bùa ngải luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh khi sử dụng và có thể dẫn đến ngộ độc. Bên cạnh đó, có những người vì quá tin vào bùa phép, dẫn đến tình trạng bị lệ thuộc vào những điều phi lý, khi không đạt được hiệu quả như kỳ vọng thì dẫn đến những biểu hiện tiêu cực về tâm lý.

Một mảng tối rất đáng lo ngại nữa là tình trạng một số người còn tin rằng có thể dùng bùa ngải để hại người khác, nên vì muốn giành lợi thế trong kinh doanh, một doanh nhân có thể ra tay triệt hạ đối thủ cạnh tranh; vì hiềm khích mà hàng xóm láng giềng sẵn sàng dùng “bùa độc” để nhà bên “tán gia bại sản”...! Vài năm trở lại đây, đã không ít lần độc giả phải chứng kiến giới nghệ sĩ lên báo tố việc bị đồng nghiệp ganh ghét, dùng “ngải” hãm hại dẫn đến tình trạng như: lên sân khấu bị quên bài, mất tiếng, có những hành động ngớ ngẩn trước công chúng; khắp người đau buốt, giọng khàn đặc, không thể hát ra hơi,... Liệu có căn cứ khoa học nào lý giải được tình trạng đó là do bùa ngải? Thực tế cho thấy không ít người có tình trạng ám thị, họ tin tưởng một cách vô điều kiện vào bùa chú nên cầu đến những vật phẩm này mọi lúc, mọi nơi nhằm đáp ứng mục đích của bản thân. Bên cạnh đó, có người có thể không sử dụng bùa ngải, nhưng bị ám ảnh nặng nề về chuyện yểm bùa nên gặp chuyện rủi ro, bất trắc là nghĩ ngay đến việc mình bị người khác hãm hại bằng bùa chú. Niềm tin ngây thơ và trạng thái tâm lý bất thường đó đã giúp số người tự xưng danh “thầy bùa” và “chế tạo bùa ngải” ngày càng tràn lan, thậm chí đã có người lao vào công việc này như tìm thấy một hình thức kinh doanh giúp nhanh chóng kiếm lời. TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Tôn giáo) đã không khỏi lo ngại khi nói: “Một ông thầy khoe với tôi rằng có người nhờ ông làm bùa yêu mà giữ được chồng, có người đuổi được vong theo, có người khỏi bệnh ung thư,… Nhưng khi tôi ngỏ ý muốn xin địa chỉ của họ để phục vụ công tác nghiên cứu thì ông cứ lần khất, quanh co, cuối cùng, chẳng có ai là thật, chỉ những câu chuyện là ngày càng vang xa, thu hút hàng chục lượt khách đến nhà thầy mỗi ngày”. Vì sao “quyền phép” của các bùa chú được rao bán công khai trên in-tơ-nét không ai có thể kiểm chứng, hậu quả tiêu cực thì đã nhiều người nhận được nhưng vẫn có không ít người mê muội lao theo? Có bạn đọc bày tỏ bức xúc: “Phải chăng, đó là lòng tham, hay là sự bất lực của con người, không thể dùng năng lực của chính mình thực hiện, phải cầu vào vận may, bùa phép?”.

Trong quá trình phát triển, nhân loại đã chứng minh không có phép mầu từ thế giới khác, mà chính với khối óc và bàn tay, con người đã làm nên vô vàn kỳ tích. Vì vậy, đặt niềm tin vào các loại bùa ngải là điều cần phải phê phán. Và cũng cần lưu ý, việc quảng bá, rao bán bùa ngải là hành vi vi phạm pháp luật. Tại Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) về Tội hành nghề mê tín, dị đoan quy định rõ: “1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”; và khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12-11-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo xác định rõ: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”. Do đó, để kịp thời chấn chỉnh tình trạng mua bán bùa ngải đang xuất hiện tràn lan, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng với hành động cụ thể như: ngăn chặn các trang web rao bán bùa ngải, thu hồi số điện thoại dùng giao dịch mua bán bùa ngải; xử lý theo pháp luật hành vi vi phạm liên quan mua bán, sử dụng bùa ngải,... Tuy nhiên, sự vào cuộc của cơ quan chức năng khó có thể ngăn chặn triệt để nạn mua bán bùa ngải khi vẫn có người còn mê muội, tin vào sự “linh nghiệm của bùa ngải”. Vì thế, mỗi người cần xác định không có thành công nào đến dễ dàng nếu không tự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, và chỉ khi mỗi cá nhân biết ý thức, nâng cao trách nhiệm công dân, không cần đến “phép mầu từ bùa ngải”, thì mới có thể phát triển lành mạnh.