Không chủ quan, bị động trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT

NDO -

Ngày 1/7, đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng làm trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Nam Định. 

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra phòng chứa bài thi, đề thi tại điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra phòng chứa bài thi, đề thi tại điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.

Chủ động phương án xử lý tình huống bất thường

Tại đây, đoàn đã kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, phương án tổ chức kỳ thi tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (Nam Định); Trường THPT Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, Nam Định) và địa điểm in sao đề thi tại Hội đồng thi tỉnh Nam Định.

Cô giáo Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết: Trường THPT Trần Hưng Đạo là điểm thi lớn nhất tại Nam Định, có 857 thí sinh dự thi tại 36 phòng thi dành cho ba đối tượng dự thi gồm: học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ và thí sinh tự do. Nhà trường đã bố trí một phòng thi dự phòng, một phòng chờ cho thí sinh tự do chờ thi các môn thứ hai, ba; một phòng cách ly, một phòng để đồ cho học sinh ở vị trí tầng một, tránh hiện tượng học sinh mang cặp sách, điện thoại lên phòng thi. 

Về công tác phòng chống dịch Covid-19, việc phun khử khuẩn khu vực tổ chức sau mỗi khi kết thúc môn thi. Điểm thi được phân luồng ba lối đi từ cổng trường để tránh ùn tắc và bố trí tám giáo viên và bác sĩ ngay từ cổng trường để tiến hành đo thân nhiệt, cung cấp khẩu trang nếu học sinh quên. Đồng thời, yêu cầu học sinh sinh sát khuẩn tay trước khi lên các phòng thi. 

Tại điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc (huyện Mỹ Lộc, Nam Định), thầy giáo Nguyễn Duy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Điểm thi Trường THPT Mỹ Lộc được bố trí an toàn, biệt lập, có một cổng ra vào duy nhất, cách xa khu dân cư, xung quanh điểm thi có tường bao quanh, bảo đảm an toàn. Xây dựng phương án xử lý những tình huống bất thường xảy ra trong thời gian diễn ra kỳ thi. Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, hội đồng thi đã chuẩn bị 5.000 khẩu trang y tế, 15 máy đo thân nhiệt, xây dựng phương án phun khử khuẩn bằng Cloramin-B..., có hai phòng cách ly được bố trí cho những học sinh có liên quan đến dịch Covid-19.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Nam Định, ông Cao Xuân Hùng cho biết: toàn tỉnh có 35 điểm thi với tổng số 907 phòng thi và 20.962 thí sinh đăng ký dự thi. Mỗi điểm thi bố trí ít nhất hai phòng thi dự phòng để sử dụng trong tình huống có thí sinh xuất hiện dấu hiệu ho, sốt,… hoặc bất thường về sức khỏe. Toàn tỉnh bố trí 20 điểm thi dự phòng; bảo đảm mỗi huyện có hai điểm thi dự phòng để sẵn sàng tiếp nhận thí sinh của điểm thi lân cận trong tình huống bất thường.

Về công tác coi thi, tỉnh huy động 1.968 cán bộ coi thi, 381 cán bộ giám sát, 35 trưởng điểm thi, 70 phó trưởng điểm thi, 105 thư ký điểm thi và 660 nhân sự là công an, trật tự viên, tạp vụ, lao công, y tế, bảo vệ. Phương án hỗ trợ thí sinh được Nam Định chú trọng, theo đó, Sở Giáo dục và Đào tại giao các trường THPT, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên xây dựng phương án hỗ trợ nếu có thí sinh ở xa; phương án nếu có bão, lũ, dịch bệnh. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ  phối hợp Sở Giao thông Vận tải hỗ trợ thí sinh nếu có đề nghị.

Thực hiện nguyên tắc 5K của riêng ngành giáo dục

Kiểm tra thực tế tại một số điểm thi, đoàn kiểm tra đã có những lưu ý cụ thể với lãnh đạo điểm thi cũng như Ban Chỉ đạo kỳ thi của tỉnh về một số vấn đề kỹ thuật liên quan đến bố trí phòng chờ, camera giám sát, tủ chứa đề và bài thi… cần hoàn thiện.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá cao công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Ban Chỉ đạo kỳ thi tỉnh Nam Định trong những năm qua luôn chủ động và hiệu quả.

Thứ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo kỳ thi tỉnh Nam Định tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi đến tất cả những người tham gia tổ chức kỳ thi và tất cả thí sinh dự thi.

Đồng thời, lưu ý lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi đúng theo quy định của quy chế thi và chuẩn bị số lượng cán bộ dự phòng để có thể trưng tập và thực hiện nhiệm vụ ngay khi cần thiết. Tập huấn kỹ quy chế thi cho thí sinh, cán bộ giáo viên nhất là cán bộ không thuộc ngành giáo dục. 

Các hội đồng thi phải xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng đối với từng buổi thi, ngày thi và giao trách nhiệm cho từng bộ phận, thành viên để mọi việc trong suốt quá trình thi diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Cán bộ tham gia làm công tác thi phải nghiên cứu, nắm chắc các quy định, quy chế thi để thực hiện và phổ biến, nhắc nhở thí sinh trước khi bắt đầu vào mỗi môn thi, tránh những sơ suất đáng tiếc làm ảnh hưởng đến kỳ thi và kết quả thi...

Những khu vực giáp nhà dân cần rà soát, cửa sổ phải niêm phong, che kín. Ngoài ra, Công an tỉnh bám sát thực tế để có các giải pháp phù hợp bảo đảm an ninh an toàn cho công tác tổ chức thi, nhất là phòng chống các hoạt động: photo tài liệu, mua bán thiết bị công nghệ cao để gian lận trong kỳ thi.

Đồng thời, Thứ trưởng nhấn mạnh nguyên tắc 5K của riêng ngành giáo dục trong tổ chức kỳ thi, đó là: Không chủ quan; Không bị động; Kế hoạch tốt; Kiểm tra kỹ lưỡng; Khắc phục khó khăn. Tinh thần là nghiêm túc, chặt chẽ, nhưng không quá căng thẳng, đừng để từ cái sai nhỏ thành sai lớn, từ sai lớn thành vi phạm.