Khởi tố nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT vi phạm quản lý rừng

NDO -

NDĐT - Liên quan vụ khai thác hơn 75,7ha rừng tự nhiên (trữ lượng gỗ hơn 3.509m3) trái pháp luật, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lâm Đồng, cùng hai bị can khác, về tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng”.

Rừng cao-su đã phủ xanh trên đất rừng nghèo tại huyện Bảo Lâm.
Rừng cao-su đã phủ xanh trên đất rừng nghèo tại huyện Bảo Lâm.

Ngày 28-4, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cho biết, liên quan vụ khai thác rừng để chuyển sang trồng cao-su tại huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố ba bị can, gồm: Lê Văn Minh, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng (đã nghỉ hưu); Lê Quang Nghiệp, nguyên Chi cục trưởng Lâm nghiệp tỉnh Lâm Đồng và Mai Hữu Chanh, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc.

Các bị can này bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý rừng” quy định tại khoản 3, Điều 233 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Các quyết định khởi tố bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê chuẩn.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, ông Nghiệp biết rõ trong hồ sơ dự án chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo sang trồng cao-su tại một phần tiểu khu 398, 418, 419, tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, chưa có báo cáo tác động môi trường, và chưa đúng các quy định khác của pháp luật; nhưng ông Nghiệp vẫn tham mưu cho ông Minh (thời điểm đó là Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng) ký quyết định cấp phép khai thác tận dụng lâm sản (đợt 4, QĐ số 247, ngày 1-4-2016) cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc khai thác tận dụng lâm sản tại một phần các tiểu khu trên.

Hành vi trên vi phạm thông tư của Bộ NN-PTNT về hướng dẫn việc trồng cao-su trên đất lâm nghiệp; vi phạm Nghị định 18/2015/NĐ-CP, ngày 14-2-2015 của Chính phủ, quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và bảo vệ môi trường; vi phạm Quyết định số 18/2010/QĐ-UBND, ngày 1-6-2010, của UBND tỉnh Lâm Đồng; dẫn đến hậu quả, diện tích rừng tự nhiên nghèo chuyển sang trồng cây cao-su trái pháp luật diện tích hơn 75,7ha, cấp phép khai thác lâm sản trái pháp luật với tổng trữ lượng gỗ hơn 3.509m3.

Vụ án này do Bộ Công an chuyển giao Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra, xác minh từ năm 2017.