Bài 2: Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân
Còn một số điểm nghẽn
Nguyên nhân là do công tác xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình 1719 của một số địa phương, đơn vị, nhất là một số Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thời gian đầu chưa sát với yêu cầu phát triển của địa phương hoặc do nhiệm vụ và giải pháp chưa gắn với thực tiễn. Giai đoạn 2021-2024, tỉnh Quảng Ngãi đã phân bổ hơn 1.794 tỷ đồng vốn thực hiện Chương trình 1719.
Đến nay tỉnh mới giải ngân được 660 tỷ đồng, đạt 36,7%; trong đó, vốn đầu tư công giải ngân được 493 tỷ đồng, vốn sự nghiệp giải ngân được 166 tỷ đồng. Kết quả giải ngân nguồn vốn của Quảng Ngãi là khá thấp, không đạt yêu cầu; nhất là tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp chỉ đạt 31,6% tổng vốn được giao.
Đơn cử như hai huyện Sơn Hà và Trà Bồng của tỉnh được bố trí 31,2 tỷ đồng thực hiện đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân miền núi theo Chương trình 1719. Sau gần hai năm thực hiện, huyện Trà Bồng đào tạo tám lớp với 160 học viên, còn huyện Sơn Hà chưa tổ chức được lớp đào tạo nghề nào. Hai huyện này chỉ giải ngân được 2,6 tỷ đồng cho dự án đào tạo nghề và kiến nghị trả lại 28,6 tỷ đồng vốn được cấp.
Một bất cập nữa dẫn đến việc giải ngân một số dự án đạt thấp là do nhiều nội dung của Chương trình 1719 được phân cấp cho cấp huyện, nhất là cấp xã triển khai, trong khi đó trình độ năng lực của cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế, dẫn đến cán bộ cơ sở chưa hiểu đúng, nắm sâu về chương trình, cho nên triển khai chậm. Năm 2023, tổng vốn Chương trình 1719 giao cho tỉnh Hà Giang là hơn 2.930 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm, tỉnh mới giải ngân được hơn 48% kế hoạch vốn.
Nhiều dự án, tiểu dự án giải ngân chậm hoặc chưa thể giải ngân, trong đó có dự án 3: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.
Chương trình phân nguồn cho huyện Vị Xuyên và Hoàng Su Phì thực hiện hai tiểu dự án “phát triển vùng trồng dược liệu quý” với vốn khoảng 100 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, đến nay hai tiểu dự án chưa được triển khai.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vị Xuyên cho biết, huyện được phân cấp triển khai “dự án đầu tư vùng nhân giống, bảo tồn cây dược liệu”. Năm 2023, huyện đã có văn bản mời gọi các doanh nghiệp tham gia dự án và đã có hai doanh nghiệp nộp hồ sơ. Mặc dù vậy, đến nay huyện vẫn chưa thẩm định được hồ sơ của các doanh nghiệp.
Lý do là lĩnh vực nhân giống và bảo tồn dược liệu liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, trong khi cán bộ các phòng chức năng của huyện chưa đủ năng lực để thẩm định. Do đó, huyện đang đề nghị các sở, ngành chức năng của tỉnh phối hợp địa phương thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp.
Ngoài nguyên nhân do trình độ năng lực cán bộ cấp cơ sở còn hạn chế, việc giải ngân Dự án 3 ở tỉnh Quảng Bình đạt thấp (chỉ đạt 20,9%) còn do một bộ phận đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số chưa tự tổ chức được sản xuất, tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn cao, thiếu các mô hình sản xuất hiệu quả, trong khi điều kiện để hỗ trợ, giải ngân nguồn vốn khá chặt chẽ, như doanh nghiệp, hợp tác xã có 70% lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số trở lên..., vì thế việc giải ngân chưa thực hiện được.
Một nguyên nhân nữa là sự thay đổi về nhu cầu đầu tư ở thời điểm các địa phương có đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình so với thời điểm đề xuất xây dựng kế hoạch. Trong khi có những nội dung sử dụng nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người dân không còn nhu cầu; thì một số tỉnh lại rất cần nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn. Đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết:
Năm 2023, tỉnh có hơn 190 tỷ đồng vốn sự nghiệp không giải ngân được do người dân không còn nhu cầu hỗ trợ. Trong khi đó, tỉnh lại rất cần nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, công trình nước. Do đó tỉnh đề nghị Trung ương tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho các địa phương được chuyển nguồn vốn sự nghiệp không còn nhu cầu sử dụng, sang vốn đầu tư để thực hiện các dự án hiệu quả hơn, nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu của chương trình, địa bàn, đối tượng thụ hưởng.
Thiếu quỹ đất cấp cho đối tượng thụ hưởng
Một trong những nguyên nhân khiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn các vùng khác là do nhiều hộ dân thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án 1 nhằm khắc phục tình trạng này trên địa bàn một số tỉnh lại đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ giải ngân thấp.
Đến cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân Dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của tỉnh Thái Nguyên mới đạt gần 15% số vốn được giao trong hai năm 2022 và 2023, tỉnh mới hỗ trợ được 100 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số xóa nhà tạm.
Một trong những nguyên nhân khiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn các vùng khác là do nhiều hộ dân thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án 1 nhằm khắc phục tình trạng này trên địa bàn một số tỉnh lại đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tiến độ giải ngân thấp.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân chủ yếu là nhiều hộ chưa đáp ứng được các tiêu chí để được hỗ trợ, như chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa tách hộ, hoặc đang sinh sống trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Hoàng Văn Thưỡn cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90% dân số của xã, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều hộ vẫn ở nhà tạm. Để được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà, các hộ cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nhiều hộ chưa đáp ứng được yêu cầu này; một số hộ khác do đang sinh sống trong khu vực quy hoạch rừng đặc dụng, cho nên chính quyền chưa hỗ trợ xoá nhà tạm được.
Việc hỗ trợ đất sản xuất cũng gặp khó khăn do địa phương không có quỹ đất công để cải tạo, khai hoang, tạo mặt bằng để cấp cho đối tượng thụ hưởng. Khắc phục tình trạng này, ngày 14/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành định mức đất sản xuất để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương rà soát, lập danh sách, thẩm định, phê duyệt danh sách đối tượng thiếu đất sản xuất.
Đối với những hộ gia đình thiếu đất sản xuất mà không có quỹ đất, tỉnh sẽ hỗ trợ bằng tiền để chuyển đổi nghề. Tại Yên Bái, quỹ đất sạch để thực hiện giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao của tỉnh còn thiếu so với nhu cầu, do việc bố trí quỹ đất bảo đảm tiêu chí phù hợp với phong tục, tập quán sinh sống theo truyền thống của đồng bào là rất khó - đồng chí Vũ Quỳnh Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết.
Chuyển biến tích cực
Để khắc phục những bất cập nêu trên, tháng 1/2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình này trong thời gian tới.
Đồng chí Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho biết, Nghị quyết số 111 của Quốc hội quy định cụ thể tám cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đáng chú ý là Quốc hội cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân bổ hoặc phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình chi tiết đến dự án thành phần.
Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển sang năm 2024, theo nguyên tắc việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước từ dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp, để bổ sung dự toán thực hiện cho các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải bảo đảm không vượt quá tổng dự toán ngân sách nhà nước và không thay đổi cơ cấu chi đầu tư, chi thường xuyên của từng chương trình mục tiêu quốc gia đã được cấp có thẩm quyền giao.
Những cơ chế đặc thù được ban hành đã giúp việc giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình 1719 những tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu khởi sắc. Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước lũy kế giải ngân đến hết tháng 3/2024 là 5.303 tỷ đồng, đạt gần 20% kế hoạch vốn.
So với kết quả giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách của cả nước (trong ba tháng đầu năm 2024), kết quả giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia chuyển biến tích cực hơn nhiều, thể hiện sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để đưa được nguồn vốn giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Phan Đức Cường, sau khi Nghị quyết số 111 của Quốc hội với tám chính sách đặc thù được ban hành, hầu hết các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn tại địa phương đã cơ bản được tháo gỡ.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình sẽ còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, những khó khăn, vướng mắc nào thuộc thẩm quyền của tỉnh thì đơn vị sẽ tham mưu tháo gỡ như việc ban hành quy định định mức đất sản xuất để làm cơ sở xác định hộ gia đình thiếu đất sản xuất để có giải pháp hỗ trợ phù hợp; hay rà soát quy hoạch để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làm cơ sở hỗ trợ về nhà ở; vướng mắc nào thuộc về thể chế thì Ban kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Từ nay đến tháng 6/2024, tỉnh Thái Nguyên sẽ tập trung rà soát, đánh giá việc tổ chức thực hiện các dự án của chương trình để có giải pháp chỉ đạo hoàn thành mục tiêu đã đề ra đến hết năm 2025.
Để thực hiện mục tiêu giảm từ 6-7% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo chuẩn nghèo đa chiều, năm 2024 tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng 13 dự án, quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung; nâng cấp 70 km đường nông thôn; đào tạo nghề, hỗ trợ chuyển đổi nghề 2.300 người; bảo tồn 10 loại hình văn hóa phi vật thể, đầu tư xây dựng 22 thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ 306 người có uy tín trong cộng đồng làm hạt nhân chính trị, nòng cốt ở cơ sở…
Tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương xây dựng các quy định, tiêu chí và định mức phân bổ vốn các lĩnh vực còn thiếu như đào tạo đại học, sau đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; hoàn thành các thủ tục đầu tư lĩnh vực văn hóa, giáo dục. Lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Quảng Ngãi… đều khẳng định, sẽ nỗ lực giải ngân 100% vốn Chương trình 1719 giai đoạn 1; thực hiện linh động, hiệu quả theo tình hình thực tế tại địa phương, bảo đảm đúng quy định.
--------------
Bài 1: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế cho người dân
(*)Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 14/4/2024.