Khơi thông mạch nguồn hiếu học phủ Vĩnh Tường

Huyện Vĩnh Tường (phủ Vĩnh Tường trước đây), có truyền thống hiếu học lâu đời. Ngày nay, kể cả những trung tâm kinh doanh dịch vụ như Thổ Tang, Vân Xuân, Việt Xuân người dân cũng rất quan tâm đầu tư cho việc học của con cái.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của Trường mầm non xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường.
Giờ học của Trường mầm non xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường.

Điển hình như thị trấn Thổ Tang - một trung tâm thương mại dịch vụ lớn của tỉnh Vĩnh Phúc, nơi nhiều em ở độ tuổi học sinh cũng tham gia hoạt động kinh tế của gia đình. Thời trước, nhiều học sinh Thổ Tang học xong tiểu học hoặc trung học cơ sở sẽ thôi học, chuyển sang đi làm cùng cha mẹ. Khoảng bảy, tám năm gần đây, nhiều gia đình cho con đi học lên đại học, cao đẳng. Sự thay đổi đó một phần do người kinh doanh phải có kiến thức sâu rộng để tham gia thương mại điện tử, phần khác do chất lượng giáo dục của các trường trên địa bàn thị trấn tiến bộ rõ rệt.

Hiệu trưởng Trường THCS Thổ Tang Lê Văn Sắn thông tin: Năm học 2020-2021, trường chỉ có 59% học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi lớp 10 THPT. Ðến năm học 2022-2023, số học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi vào lớp 10 đạt hơn 80%. Năm học 2023-2024 trường vươn lên vị trí 24/146 trường THCS toàn tỉnh, tăng hơn 80 bậc trên bảng xếp hạng. Kinh nghiệm của trường là phải dựa vào đội ngũ giáo viên cốt cán, yêu nghề như những cô giáo Nguyễn Thị Bích Mai, Nguyễn Thị Thanh Xuân…

Khơi thông mạch nguồn hiếu học phủ Vĩnh Tường ảnh 1
Một tiết học của Trường THCS Thổ Tang.

Ðồng thời, nhà trường bảo đảm nền nếp tốt, kỷ luật nghiêm, tạo lập môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, thân thiện, chuyên nghiệp, sắp xếp lớp học theo trình độ nhận thức của học sinh. Ông Sắn chỉ băn khoăn, năm học này, Trường THCS Thổ Tang có tới 33 lớp, 1.342 học sinh. Ðể duy trì được phong trào học tập thì trường cần thêm sân chơi, bãi tập, phòng học, phòng chức năng và nhất là sự quan tâm của cha mẹ học sinh. Hiện vẫn còn một số người đi làm ăn xa, chưa để ý đến việc học tập của con em.

Tại các xã có thế mạnh về kinh doanh buôn bán như Vân Xuân, Việt Xuân, các bậc cha mẹ đã quan tâm hơn đến việc học của con. Cô Nguyễn Thị Tình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Việt Xuân cho biết: Xã có 2 làng nghề kinh doanh vận tải sông nước, việc học trước đây không được quan tâm như bây giờ. Cán bộ, giáo viên nhà trường phải tuyên truyền về lợi ích đầu tư cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới hoạt động ngoài giờ lên lớp, từ đó thay đổi nhận thức của người dân về giáo dục.

Huyện Vĩnh Tường rất quan tâm đầu tư cho giáo dục mầm non. Trường mầm non xã Ngũ Kiên đang được đầu tư xây dựng để đạt chuẩn quốc gia. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ: Các lớp học đều có ti-vi, kết nối internet, thiết bị giáo dục nhìn chung đầy đủ. Xã còn nghèo song vẫn dành cho trường mầm non sự quan tâm ủng hộ. Tới đây trường sẽ có cơ sở vật chất khang trang, rộng rãi hơn. Nhiều trường mầm non tại Vĩnh Tường có cảnh quan đẹp như những công viên thu nhỏ cho trẻ em.

Từ năm 2020 đến nay, công tác khuyến học của Vĩnh Tường phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm Hội Khuyến học huyện dành khoảng 600 triệu đồng tặng thưởng học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó. Nhiều xã, dòng họ duy trì tốt hoạt động khuyến học. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Nguyễn Xuân Quang cho biết: Hằng năm huyện tổ chức sơ kết việc thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy và Ðề án của Ủy ban nhân dân huyện về phát triển giáo dục và đào tạo, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, tổ chức rút kinh nghiệm đối với các xã, thị trấn chậm tiến độ.

Khơi thông mạch nguồn hiếu học phủ Vĩnh Tường ảnh 2

Học sinh Trường THCS Vĩnh Tường đọc sách trong thư viện.

Ðến nay, toàn huyện có 62/87 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Huyện ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Năm học 2022-2023, Trường THCS Vĩnh Tường - cơ sở giáo dục chất lượng cao của huyện được đầu tư 160 tỷ đồng xây dựng mới và đưa vào sử dụng.

Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Vĩnh Tường Phan Quốc Hào nhận định: Đội ngũ giáo viên của huyện nhìn chung yêu nghề, yêu trẻ và rất chịu khó tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục có nhiều kinh nghiệm, xây dựng đoàn kết nội bộ và môi trường làm việc thuận lợi cho giáo viên. Ở các xã có truyền thống hiếu học như Thượng Trưng, Tuân Chính, Ngũ Kiên, Vũ Di, người dân quan tâm chăm lo giáo dục từ bậc học mầm non.

Nhờ đó, huyện Vĩnh Tường có điểm đỗ vào các trường THPT công lập cao nhất tỉnh, xếp thứ nhất tỉnh cả về tỷ lệ đạt giải và chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục của các trường THPT trên địa bàn, nhất là các Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, THPT Lê Xoay có bước tiến vượt bậc, tạo sức hút lớn đối với học sinh. Nỗ lực của huyện, xã và của các thầy, cô giáo đang giúp ngành giáo dục Vĩnh Tường đứng vững ở vị trí tốp đầu tỉnh Vĩnh Phúc.