Khởi sắc một vùng quê

Nằm ở phía tây của tỉnh Cà Mau, có một đơn vị hành chính cấp huyện gắn với tên của nhà hoạt động cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Trần Văn Thời. Huyện Trần Văn Thời được xem là một “Cà Mau thu nhỏ” đang ngày càng khởi sắc…
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Một góc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

So với nhiều địa phương cấp huyện khác ở Cà Mau, huyện Trần Văn Thời được thành lập khá sớm, từ tháng 5/1950. Hơn 70 mùa xuân đi qua, nhất là sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân huyện Trần Văn Thời tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua khó khăn.

Đồng chí Trần Tấn Công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến, vùng căn cứ cách mạng Trần Văn Thời đã vượt lên nghèo đói, chung tay kiến thiết quê hương ngày thêm đổi mới, gặt hái được nhiều thành tựu trên các mặt của đời sống xã hội.

Từ chỗ chưa tự chủ được lương thực (thời điểm năm 1976), đến nay, sản lượng lúa toàn huyện tăng lên hơn 345.000 tấn/năm, trở thành “vựa lúa” chủ lực ở đồng đất Cà Mau.

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân dân trong huyện thực hiện có hiệu quả các mô hình đa canh (lúa-cá; lúa-màu-chăn nuôi…), góp phần tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt hơn 57 triệu đồng, tăng hơn 20 triệu đồng so với thời điểm năm 2020; hộ nghèo giảm từ 19,76% (năm 2006) xuống còn 1,32% (cuối năm 2023), thấp hơn bình quân chung của tỉnh và không còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc diện gia đình chính sách, người có công…

Để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh vùng nội đồng, trong nhiều năm qua, huyện được tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư và hoàn thiện, khép kín hệ thống thủy lợi. Nhờ đó, huyện giữ vững vùng sản xuất hệ ngọt ở phía bắc với khoảng 50.000 ha trồng lúa kết hợp đa cây, đa con. Vùng phía nam được chuyển dịch theo hướng trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm và chuyên tôm với khoảng 17.000 ha.

Ngoài những yếu tố thuận lợi để phát triển nghề cá, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp ngư dân huyện Trần Văn Thời phát triển đội tàu khai thác hải sản lên hơn 1.900 chiếc; trong đó, có gần 1.000 tàu công suất lớn đủ điều kiện vươn ra xa khơi, bám biển dài ngày.

Vì vậy, sản lượng khai thác thủy, hải sản của địa phương tăng qua từng năm, từ 9.200 tấn vào năm 1989 tăng lên hơn 158.000 tấn vào cuối năm 2023.

Huyện Trần Văn Thời còn có nhiều di tích, lễ hội dân gian, thắng cảnh nổi tiếng, như: Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc; lễ hội Kỳ Yên đình thần Phong Lạc; Khu lưu niệm nghệ nhân dân gian Ba Phi; Vườn quốc gia U Minh hạ (Vồ Dơi); đầm Thị Tường; Khu du lịch Hòn Đá Bạc…

Đó là những lợi thế giúp huyện kêu gọi đầu tư, khai thác hiệu quả ngành công nghiệp không khói, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động nhàn rỗi vùng nông thôn tại địa phương.

Những ngày đầu năm 2024, huyện Trần Văn Thời đón nhận thêm tin vui khi tỉnh Cà Mau chính thức khởi công xây dựng Cụm công trình tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra bắc năm 1954 nằm phía bờ nam cửa sông Ông Đốc (thuộc thị trấn Sông Đốc) với tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ vốn xã hội hóa và ngân sách.

Đây là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ 17, nhiệm kỳ 2025-2030. Khi hoàn thành, huyện Trần Văn Thời nói chung, thị trấn Sông Đốc nói riêng, sẽ có thêm điểm nhấn nổi bật phục vụ sinh hoạt, văn hóa và du lịch.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2023, cây cầu bắc qua sông Ông Đốc, kinh phí xây dựng hơn 600 tỷ đồng, đã được thông xe, kết nối thông suốt với tuyến đường trục đông-tây nối với Quốc lộ 1A. Đây cũng là tuyến giao thông trục cắt ngang từ bờ biển Đông sang bờ Biển Tây của Cà Mau, tạo đòn bẩy về hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế biển tại cửa biển lớn nhất của Cà Mau.

Theo Bí thư Huyện ủy Trần Văn Thời Nguyễn Minh Nhứt, thời gian tới, địa phương sẽ nỗ lực nhiều hơn trong kêu gọi đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả các công trình mà cấp trên đã quan tâm đầu tư cho huyện, nhất là Sông Đốc, cửa biển lớn và sầm uất nhất tỉnh...

Huyện Trần Văn Thời được xem là “Cà Mau thu nhỏ” khi có cả hệ sinh thái mặn-ngọt, có rừng và cả biển, đảo. Đây cũng là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất tại Cà Mau có hai thị trấn.

Trước mắt và lâu dài, tỉnh Cà Mau tập trung nguồn lực phát triển về hướng biển, làm giàu từ biển, trong đó, khu vực ven biển Trần Văn Thời được ưu tiên vì có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển.