Khởi sắc du lịch Trạm Tấu

Là huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, nhưng nhờ các chương trình mục tiêu của Chính phủ, đời sống người dân Trạm Tấu từng bước được cải thiện. Biến cái khó khăn thành lợi thế, địa phương từng bước đưa du lịch trở thành nguồn thu nhập cho người dân bản địa, hình thành các điểm du lịch mới lạ, thu hút khách du lịch đến với nơi này.
Tái hiện lễ hội Gàu Tào của dân tộc H’Mông ở Trạm Tấu.
Tái hiện lễ hội Gàu Tào của dân tộc H’Mông ở Trạm Tấu.

Nằm ở sườn đông dãy Pú Luông thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, có độ cao trung bình 1.300m so với mặt nước biển, huyện Trạm Tấu có địa hình chủ yếu là đồi núi cao hiểm trở, có nhiều núi đá dốc, khe lạch, vực sâu.

Với diện tích tự nhiên là hơn 74.670 ha, trong đó diện tích lâm nghiệp hơn 61.200 ha, tổng diện tích đất có rừng là 48.789 ha, còn lại là đất ở, đất chưa sử dụng, những năm gần đây, huyện đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung khai thác các ngành thế mạnh, trong đó có du lịch.

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Trạm Tấu Dương Phương Thảo cho biết: Trước mắt, huyện sẽ tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, trên cơ sở tiềm năng sẵn có như du lịch leo núi trải nghiệm mạo hiểm, du lịch cộng đồng, khai thác tài nguyên khoáng nóng. Cùng với đó, huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng, cũng như trên các kênh mạng xã hội, trong đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, lưu trú và các dịch vụ phụ trợ khác để thu hút khách du lịch.

Tại Khu du lịch Lau Camping ở xã Phình Hồ, ngoài việc được ngắm bình minh giữa biển mây, tận hưởng không khí trong lành, không gian yên tĩnh, du khách còn có thể trải nghiệm bay dù lượn, thỏa sức trong biển mây, ngắm nhìn cánh đồng Mường Lò từ trên cao.

Trong cái se lạnh 200C, chúng tôi gặp chị Miri người Israel cùng vui nhảy múa sạp với khách du lịch một cách mê say. Ðây là một trong năm "cô giáo" tình nguyện làm việc không lương ở nơi này.

Qua trò chuyện, chị Miri cho biết, chị là khách du lịch đến Việt Nam, đã chọn ở lại nơi này dạy tiếng Anh tại lớp học có tên gọi "Mùa hè trên bản". Lớp học do Lau Camping và Hợp tác xã Trà Shan tuyết Phình Hồ phối hợp tổ chức. Lau Camping đầu tư địa điểm học, ăn, ngủ cho các tình nguyện viên từ xa đến dạy.

Hợp tác xã Trà Shan tuyết Phình Hồ tài trợ chi phí mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh. Ban đầu dự tính chỉ có khoảng 15 em tham gia, nhưng sau khi thông tin truyền đi có tới 30 em đăng ký. Em nào cũng đi học đầy đủ, nhiệt tình và tham gia tất cả các hoạt động do lớp học tổ chức.

Ðến với lớp học, trẻ em dân tộc thiểu số vùng cao sẽ được học kiến thức về tiếng Anh du lịch như giao tiếp, giới thiệu bản thân, giới thiệu đặc sản, cảnh sắc, con người Trạm Tấu. Các tình nguyện viên tới dạy sẽ được các em nhỏ bản địa, nghệ nhân người H’Mông giới thiệu văn hóa bản địa truyền thống, sau khi trở về sẽ trở thành những đại sứ quảng bá hình ảnh du lịch Phình Hồ, Trạm Tấu nói riêng và du lịch Yên Bái nói chung. Ðây là cách làm hay, nhân văn và phù hợp với người dân tộc thiểu số vùng cao nơi này.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có 14 hợp tác xã và bốn doanh nghiệp vào đầu tư, xây dựng các dịch vụ du lịch. Ngoài ra, còn có các tổ hợp tác du lịch và hơn 30 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng; trong đó có một khách sạn, năm nhà nghỉ, 24 homestay đang được duy trì hoạt động tốt.

Những năm qua, để phát triển du lịch theo hướng xanh, gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, huyện Trạm Tấu đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch.

Với khí hậu vùng cao quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, có nhiều đỉnh núi cao như đỉnh Tà Chì Nhù, Tà Xùa thích hợp du lịch mạo hiểm; thác nước Háng Ðề Chơ, xã làng Nhì được ví như "Ðệ nhất thác Tây Bắc", có thác Tà Xùa, đồi thông Eo Gió, bản Cu Vai và có trữ lượng nguồn nước khoáng nóng dồi dào, Trạm Tấu đã và đang tập trung vào phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm và du lịch cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Vũ Lê Trung Anh cho biết: Ðến nay, huyện đã định hướng phát triển du lịch với bốn phân vùng du lịch trọng điểm, gồm: Phân vùng trung tâm động lực phát triển Trung tâm hậu cần du lịch, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng tại thị trấn Trạm Tấu, xã Hát Lừu; phân vùng động lực cửa ngõ "phát triển sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch gắn với nông nghiệp" tại ba xã Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng; phân vùng "phát triển du lịch văn hóa-cảnh quan" tại các xã Xà Hồ, Bản Công, Bản Mù; phân vùng du lịch gắn với nông nghiệp "Trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp-khai thác đặc sản địa phương gắn với phát triển du lịch bền vững" tại bốn xã Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Túc Ðán.

Ðể phát triển tiềm năng, huyện đã xây dựng các sản phẩm đặc thù như du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng; khu vực đồi thông Eo Gió, chòm Cu Vai; Lau Camping Phình Hồ; thác Háng Ðề Chơ, xã Làng Nhì, du lịch cộng đồng xã Hát Lừu; du lịch mạo hiểm săn mây trên đỉnh Tà Xùa và Tà Chì Nhù... Năm 2023, huyện Trạm Tấu đã tổ chức thành công giải leo núi "Bước chân trên mây", thu hút hàng trăm người làm báo, phóng viên trong cả nước tham gia.

Ðây là một cách quảng bá du lịch Trạm Tấu đến với người dân nơi xa, nhất là du khách ưa thích nghỉ dưỡng kết hợp du lịch mạo hiểm ở vùng cao Tây Bắc.