Đồng thuận xã hội, động lực và sức mạnh phát triển đất nước:

Khơi nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân

Sức mạnh nhân dân là cội nguồn của thắng lợi và phát triển. Ðảng ta ghi nhận điều này từ cương lĩnh, đường lối, chủ trương lớn. Nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được Trung ương ban hành nhằm phát huy quyền làm chủ và khả năng sáng tạo của nhân dân. Hiệu quả phong trào thi đua của các tầng lớp nhân dân là biểu hiện sinh động của sự đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo đà cho đất nước phát triển nhanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Nét độc đáo của ngôi nhà dừa trên cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long) thu hút đông du khách tới tham quan.
Nét độc đáo của ngôi nhà dừa trên cù lao An Bình (tỉnh Vĩnh Long) thu hút đông du khách tới tham quan.

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” là một thành tố trong chủ đề Ðại hội XIII của Ðảng. Yêu cầu “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” cũng được nêu rõ trong quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ trọng tâm trong Văn kiện Ðại hội XIII.

Thực tiễn thực hiện công cuộc đổi mới do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo chứng minh rằng cùng với việc Ðảng xác định đúng đắn, sáng tạo chủ trương, đường lối, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân là điểm tựa vững chắc để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước cường thịnh, hạnh phúc.

Khẳng định, phát huy sức mạnh lòng dân

Ðánh giá gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương nêu những con số ấn tượng.

Với sự tham gia tích cực, chủ động của hệ thống chính trị, sự hưởng ứng sôi nổi, thiết thực của nhân dân, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, về đích sớm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Năm 2020, cả nước có 62,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu của Nghị quyết là khoảng 50%). Ðến tháng 11/2022, có 71,4% số xã đạt nông thôn mới, trong đó, có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 18 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4 tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là Nam Ðịnh, Ðồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 10 năm (2011-2020), cả nước đã huy động được gần 3 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống. Năng lực làm chủ của nông dân, cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội ở nông thôn; phát huy dân chủ ở nông thôn trong triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn tăng 4,5 lần (vượt mục tiêu đề ra là 2,5 lần).

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong 10 năm (2011-2020), cả nước đã huy động được gần 3 triệu tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới.

Thành quả ấy khẳng định ý chí, sức mạnh, vai trò chủ thể của nông dân và người dân nông thôn đã được phát huy. Tinh thần đổi mới, sáng tạo của người nông dân thể hiện qua các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp các miền quê được khích lệ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Hà Giang có 7 huyện nghèo, có 127 xã, 1.353 thôn đặc biệt khó khăn, xây dựng nông thôn mới trong điều kiện là tỉnh kém phát triển nhất so với cả nước.

Với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, tỉnh có thành phố Hà Giang và 48/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như chương trình cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây cam sành; 1.935 hộ có vườn cho hiệu quả kinh tế, với bình quân thu nhập 18,8 triệu đồng/hộ/năm. Quỹ phát triển cộng đồng thôn là kinh nghiệm hay của tỉnh về huy động các nguồn lực và phát huy vai trò của nhân dân. Cùng với ngân sách nhà nước hỗ trợ (từ 25-50 triệu đồng/thôn), nguồn quỹ do người dân tự nguyện đóng góp và huy động từ nhiều nguồn khác. Với quỹ này, thôn tổ chức họp, bình xét cho những hộ khó khăn hoặc đang cần vốn phát triển kinh tế, đầu tư trồng trọt, chăn nuôi; chi phí vào việc sửa chữa các công trình hạ tầng dùng chung của thôn, các điểm trường học. Khi được quản lý đúng quy định, công khai, minh bạch và hiệu quả, người dân quan tâm, ủng hộ, thường họp bàn thống nhất các khoản thu để tạo thêm nguồn quỹ.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều cán bộ thôn, bản và người dân ở Hà Giang ghi nhận, chủ trương bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá như xây dựng nông thôn mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo… giúp tập hợp, khơi dậy mọi nguồn lực trong nhân dân. Những cách làm hay, sáng tạo của người dân được ghi nhận, biểu dương, lan tỏa.

Khảo sát thực tiễn tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, với nhiều nội dung khác nhau, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tại nhiều địa phương khẳng định sự đồng thuận xã hội đã từ nhận thức thật sự trở thành hành động cách mạng của nhân dân. Hằng năm, có hơn 95% khu dân cư trong cả nước tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến và các hoạt động khích lệ, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng.

Mỗi năm, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã giúp đỡ hơn 220 nghìn hộ nghèo về vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm… trị giá hơn 4.800 tỷ đồng; tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1,1 triệu lượt lao động; hỗ trợ một phần nguồn lực cho hơn 1 triệu hộ nghèo khác phát triển sản xuất, trong đó có hơn 100 nghìn hộ thoát nghèo, vươn lên có đời sống khá. Các phong trào thi đua: “Dân vận khéo”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Sáng tạo trẻ’’; các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Ngày vì người nghèo”; “Sống tốt đời, đẹp đạo”… là biểu hiện sinh động sự hòa hợp của các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần của toàn xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguồn nội lực từ sáng tạo, đồng thuận

Một trong những bài học có giá trị lớn trong thời kỳ đổi mới đã được Ðảng ta khẳng định là, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo... Ðổi mới là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Ðể công cuộc đổi mới thành công phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia. Nếu sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân tạo sức mạnh to lớn trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, thì sự chủ động, sáng tạo của người dân là nguồn lực quan trọng bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Nếu sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân tạo sức mạnh to lớn trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, thì sự chủ động, sáng tạo của người dân là nguồn lực quan trọng bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Trong thực tế, có chủ trương, nghị quyết khi đi vào cuộc sống được người dân vận dụng sáng tạo, linh hoạt góp phần tăng hiệu quả. Có những sáng kiến đổi mới được người dân chủ động “thí điểm” là gợi ý để cấp ủy, chính quyền nghiên cứu, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Có những việc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đời sống, được chính quyền và nhân dân địa phương chủ động triển khai trước khi các cấp ủy ban hành nghị quyết. Những việc làm chủ động, sáng tạo xuất phát từ tâm huyết, nguyện vọng của mỗi tập thể, cá nhân ấy chính là nguồn nội lực to lớn nếu được khơi dậy, phát huy.

Mô hình Hội quán ở Ðồng Tháp là sáng kiến cộng đồng, xuất phát từ việc những người dân cùng ngành nghề sản xuất, cùng chung lợi ích, cùng trao đổi, thảo luận các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, bàn bạc kinh nghiệm sản xuất, liên kết kinh doanh trên tinh thần “ba không, ba tự, ba cùng” (không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết và cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng). Những buổi họp đã kích hoạt sự đổi mới, sáng tạo của người dân và thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các thành viên từ hợp tác với nhau trong cuộc sống hằng ngày, tiến tới hợp tác trong sản xuất, kinh doanh. Nhận thấy mô hình tự phát của người dân tạo hiệu quả thiết thực, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy đã xem xét, thống nhất quan điểm thực hiện và tạo điều kiện để mô hình lan tỏa.

Tâm Quê Hội quán ở xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, được thành lập từ năm 2017, hiện có 60 hội viên. Chủ nhiệm Hội quán Ðặng Văn Những cho biết: Mỗi tháng hội viên tập trung sinh hoạt một lần, trao đổi, thảo luận kinh nghiệm trồng, chăm sóc, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây xoài, liên kết trong tiêu thụ nông sản. Hội quán có Tổ mô hình sản xuất phân hữu cơ và chế phẩm thảo mộc xua đuổi côn trùng. Các thành viên đã tự mày mò nghiên cứu, học hỏi và cùng thử nghiệm, rút kinh nghiệm, từng bước đúc kết quy trình, cho ra sản phẩm có chất lượng (thay thế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật). Hội quán đã đăng ký nhãn mác sản phẩm và tiêu thụ trên thị trường.

Các thành viên đã tự mày mò nghiên cứu, học hỏi và cùng thử nghiệm, rút kinh nghiệm, từng bước đúc kết quy trình, cho ra sản phẩm có chất lượng (thay thế phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật). Hội quán đã đăng ký nhãn mác sản phẩm và tiêu thụ trên thị trường.

Chủ nhiệm Hội quán Ðặng Văn Những

Thành công này giúp các hội viên tự chủ nguyên liệu chăm sóc vườn cây, phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đồng thời là sản phẩm kinh doanh, tạo thêm thu nhập. Trăn trở hiện nay của các hội viên là làm sao hình thành được cơ sở chế biến tại địa bàn, ổn định đầu ra cho vùng trồng, khắc phục tình trạng “được mùa rớt giá”.

Cùng với Tâm Quê Hội quán, tại hơn 130 Hội quán khác ở Ðồng Tháp, hơn 7.250 thành viên đều có những trăn trở khác nhau trong các lĩnh vực. Mô hình Hội quán cũng tạo tiền đề thành lập các hợp tác xã. Có 32 hợp tác xã đã được thành lập trên nền tảng Hội quán.

Theo đồng chí Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðồng Tháp, Hội quán là nơi người dân hiến kế với chính quyền về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đã được tháo gỡ từ đề xuất của người dân với đại diện cấp ủy, chính quyền tham dự các buổi sinh hoạt. Ðây là nơi các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đến hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng, thông tin thị trường, hình thành chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ; là nơi cấp ủy, chính quyền đến gần dân hơn, lắng nghe và trao đổi với người dân thường xuyên hơn.

Hội quán là nơi người dân hiến kế với chính quyền về phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới. Không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới đã được tháo gỡ từ đề xuất của người dân với đại diện cấp ủy, chính quyền tham dự các buổi sinh hoạt.

Đồng chí Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ðồng Tháp

Thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2020-2025, ngành du lịch tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn kết hợp tham quan trải nghiệm văn hóa, lịch sử địa phương. Ðiều trăn trở của lãnh đạo tỉnh và cơ quan chức năng là nhiều địa phương lân cận cũng phát triển mạnh loại hình này, sản phẩm du lịch của các tỉnh trong khu vực na ná nhau, kém thu hút du khách. Lượng khách du lịch đến Vĩnh Long và một số tỉnh khu vực có tăng nhưng dần chậm lại. Bài toán đặt ra là địa phương phải cơ cấu lại ngành du lịch, xác định loại hình du lịch đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu và có hướng đi đúng đắn, tạo nét hấp dẫn riêng.

Tâm huyết với hướng phát triển này, có những cá nhân, hộ gia đình ở Vĩnh Long mạnh dạn suy nghĩ, tìm tòi, mở hướng cho những giải pháp. Có thể kể đến ngôi nhà dừa độc đáo, làm từ hàng nghìn cây dừa có tuổi đời từ 80-100 năm của gia đình ông Dương Văn Thưởng, ở xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ. Ủng hộ ý tưởng đã ấp ủ cả chục năm của cô con gái, cả gia đình ông Dương Văn Thưởng quyết tâm đầu tư hàng tỷ đồng. Sau hai năm, ngôi nhà dừa có kiến trúc rất đẹp ở cù lao An Bình với hầu hết vật liệu thi công, đồ dùng sinh hoạt, vật dụng trang trí trong nhà đều làm từ cây dừa, độc đáo tới từng chi tiết, đã trở thành điểm đến thu hút du khách. Gia đình đang tiếp tục đầu tư, chăm chút phát triển thành quần thể nhà dừa với không gian nghỉ dưỡng đẹp, riêng có, tạo điểm nhấn trong tour du lịch miệt vườn sông nước.

Chị Dương Diệu Hiền, sinh năm 1975 - chủ nhân ý tưởng này chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, hình ảnh cây dừa quá đỗi thân thương. Khi làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty địa phương, có một số du khách quốc tế phản hồi, sau nhiều năm quay lại, du lịch địa phương không có sản phẩm mới, lạ. Ý kiến này khiến chị trăn trở, tìm tòi, muốn làm điều gì đó độc đáo cho du lịch địa phương và nâng giá trị cây dừa - đặc trưng của quê hương.

Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, hình ảnh cây dừa quá đỗi thân thương. Khi làm hướng dẫn viên du lịch cho một công ty địa phương, có một số du khách quốc tế phản hồi, sau nhiều năm quay lại, du lịch địa phương không có sản phẩm mới, lạ. Ý kiến này khiến chị trăn trở, tìm tòi, muốn làm điều gì đó độc đáo cho du lịch địa phương và nâng giá trị cây dừa - đặc trưng của quê hương.

Chị Dương Diệu Hiền

Chúng tôi đã khảo sát tại nhiều địa phương, ghi nhận những điển hình tiêu biểu, cách làm chủ động, sáng tạo ở tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ðó là các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất mạnh mẽ, hiệu quả ở Sơn La, Ninh Bình, Quảng Nam, An Giang. Các tỉnh Hà Nam, Bắc Giang có những mô hình đổi mới tổ chức sản xuất, tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp. Chương trình OCOP của Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tăng thu nhập của người dân. Trong xây dựng nông thôn mới có mô hình sáng tạo về khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở Hà Tĩnh; bài học sâu sắc về Quỹ phát triển cộng đồng tại Hà Giang, Hòa Bình; các mô hình kiểu mẫu sáng-xanh-sạch-đẹp tại Hà Nội, Nam Ðịnh, Lào Cai…

Nguồn lực trong dân rất to lớn nếu được khơi dậy, phát huy phù hợp và kịp thời, với kim chỉ nam là phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ sự đồng thuận xã hội, cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ðể làm được điều này, các cấp ủy đảng, chính quyền phải bám sát thực tiễn đời sống, hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc, những nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện kịp thời, phù hợp.

Tại các Hội nghị triển khai nghị quyết phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: Phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý chí vươn lên, tự lực, tự cường của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong Vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm; trái lại, phải có ý chí và quyết tâm cao hơn nữa, quyết vươn lên làm cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước giàu mạnh và tốt đẹp hơn.

------------------