Hướng đến mục tiêu lâu dài, bền vững, các tỉnh, thành phố trong khu vực đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, đó là tiếp tục huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.
Xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc
Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, các thành phố: Châu Ðốc, Long Xuyên và huyện Thoại Sơn đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 75/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ðến nay, tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 3 nghìn tỷ đồng.
Tỉnh tiếp tục phát động thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách và người dân tham gia. Ðồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, triển khai sâu rộng và thiết thực các công trình, phần việc cụ thể. Phấn đấu năm 2025, tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, Võ Thụy Ý Như cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhân dân tích cực hưởng ứng, tháng 10/2019 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Châu Phong có khoảng 1.061 hộ dân tộc Chăm, chiếm 23,4% dân số. Ðồng bào Chăm hai ấp Phũm Soài, Châu Giang góp tiền xây cầu, nâng cấp đường, gắn camera an ninh, mắc đèn thắp sáng các tuyến đường nông thôn.
Ngoài ra, người dân góp ngày công dọn vệ sinh, trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Hộ đồng bào Chăm tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình thực hiện tốt quy ước, hương ước ấp văn hóa và gương mẫu chấp hành pháp luật. Thu nhập bình quân đầu người của xã Châu Phong năm 2019 là hơn 51,4 triệu đồng, đến nay đạt hơn 60 triệu đồng/năm.
Ông Mohamad, chủ cơ sở dệt thổ cẩm làng Chăm xã Châu Phong phấn khởi vì đường nông thôn được kết nối liên ấp, liên xã là điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển làng nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Chăm gắn với du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Khách đến đây rất thích tìm hiểu nét đẹp văn hóa của dân tộc Chăm, trải nghiệm các công đoạn của nghề dệt, mua sắm các mặt hàng thổ cẩm để sử dụng và làm quà tặng. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh của các cơ sở dệt thổ cẩm làng Chăm sôi động, đời sống kinh tế hộ được cải thiện đáng kể.
Ðồng chí Hồ Thanh Tâm, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ðốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Ðồng Tháp thông tin, đến cuối năm 2022, xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Xã hiện có 3.180 hộ dân với hơn 12 nghìn nhân khẩu. Nhân dân rất đồng tình hưởng ứng xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Nhất là tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, đẩy nhanh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thực hiện Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm OCOP, gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập lao động nông thôn.
Ðến thăm Tổ hợp tác đan lục bình Tâm Cúc, ấp 3, xã Ðốc Binh Kiều do chị Nguyễn Thị Cúc làm tổ trưởng, chúng tôi được biết, tổ được thành lập năm 2018, thu hút hơn 50 thành viên. Thời gian nhàn rỗi, các thành viên đến tổ hợp tác làm hoặc nhận sản phẩm về nhà đan để có thêm thu nhập. Hằng tháng, lao động có thu nhập hơn 2 triệu đồng từ nghề đan lục bình. Chị Cúc chia sẻ: “Mình và các thành viên trong tổ có được thêm nghề đan lục bình thì đồng nghĩa có thêm tiền. Có được đồng ra đồng vào, cuộc sống các gia đình sung túc, hạnh phúc hơn”.
Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm dệt của một cơ sở dệt thổ cẩm làng Chăm, xã Tân Châu, tỉnh An Giang trưng bày tại tỉnh Trà Vinh. (Ảnh MINH KHỞI) |
Huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh Trần Thị Hồng Thủy cho biết, Ngọc Biên có hơn 81% hộ đồng bào dân tộc Khmer. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 21,55% với 485 hộ. Những năm qua, xã đã triển khai nhiều chương trình, chính sách dân tộc của Ðảng, Nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Diện mạo nông thôn xã Ngọc Biên đang khởi sắc, đồng bào Khmer góp công, góp sức cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tính đến thời điểm này, xã đã vận động hơn 400 hộ dân hiến hơn 144.000m2 đất, hàng trăm lượt ngày công lao động tham gia thi công các công trình thủy lợi nội đồng, nâng cấp, mở rộng đường nông thôn. Thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững, xã Ngọc Biên vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, quy hoạch hai tiểu vùng sản xuất trọng điểm để sản xuất hai vụ lúa-một vụ màu, một vụ lúa-hai vụ màu.
Hằng năm, diện tích cây màu luân canh xuống chân ruộng lúa hơn 800ha, chủ yếu là đậu phộng, bắp, ớt chỉ thiên. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Cú đầu tư cho gần 1.700 lượt hộ vay với số tiền hơn 39,1 tỷ đồng giúp hội viên các đoàn thể phát triển kinh tế hộ gia đình. Qua đó, mức thu nhập bình quân đầu người năm 2021 của xã đạt hơn 63,2 triệu đồng, tăng 35,7 triệu đồng so với năm 2015. Ðến nay, xã Ngọc Biên hoàn thành 20 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành Thạch Thị Sa Thy chia sẻ, giai đoạn 2011-2021, huyện đã huy động được gần 3.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 20%. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người hơn 52,4 triệu đồng mỗi năm, tăng 41,3 triệu đồng so năm 2011.
Huyện có 13/13 xã đạt chuẩn xã văn hóa, nông thôn mới; có 33.826 hộ được công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa, nông thôn mới, đạt 89,5% so với tổng số hộ đăng ký. Kết cấu hạ tầng nông thôn của huyện cơ bản hoàn thiện, 100% đường liên ấp, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê-tông hóa.
Phát huy kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với tổng mức vốn thực hiện khoảng 32.314 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương hơn 398 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 597 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp, huy động đóng góp tự nguyện từ người dân và cộng đồng.
Theo đó, năm 2023, tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, tỉnh tập trung nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; vận động các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hỗ trợ và đóng góp xây dựng nông thôn mới trên tinh thần tự nguyện vì sự phát triển của cộng đồng.
Ðề cập giải pháp xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ðồng Tháp Phan Văn Thắng cho biết, tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị trong công tác triển khai xây dựng nông thôn mới. Tỉnh sẽ xây dựng hoàn thiện mô hình “Làng thông minh”; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ môi trường tốt nhất, tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững.