Khởi động tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) chính thức được khai thác từ ngày 22/12 không chỉ giúp giảm bớt ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm mà còn mở rộng không gian đô thị ra phía đông Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo các bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện phía Nhật Bản trải nghiệm tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sáng 22/12. (Ảnh THẾ ANH)
Lãnh đạo các bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh cùng đại diện phía Nhật Bản trải nghiệm tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên sáng 22/12. (Ảnh THẾ ANH)

Cùng với đó, mô hình giao thông công cộng (TOD) dọc tuyến Metro số 1 đã và đang triển khai quy hoạch, là cơ hội thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, tạo ra một mô hình đô thị hiện đại, tiện ích, gia tăng giá trị sống cho cộng đồng.

Lựa chọn đi Metro

Tranh thủ những ngày cuối tuần, anh Nguyễn Văn Nhanh, nhà ở phường An Phú, thành phố Thủ Đức đi trải nghiệm thử tuyến Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Để đi vào trung tâm thành phố, anh Nhanh chỉ mất khoảng 10 phút cho hành trình từ ga Rạch Chiếc, là nhà ga gần chung cư nơi anh ở đến ga Nhà hát thành phố. Ban đầu anh Nhanh băn khoăn chưa biết đi phương tiện gì để đến ga lên tàu Metro nhưng mới đây, ngày 20/12, Trung tâm quản lý giao thông công cộng thành phố đã khai trương 17 tuyến xe buýt điện trợ giá giúp hành khách tiếp cận Metro thuận tiện cùng với năm bãi đỗ xe cá nhân nằm dọc tuyến Metro trên đường Võ Nguyên Giáp và Xa lộ Hà Nội vừa hoàn thành, đã giúp anh Nhanh giải tỏa băn khoăn. Từ đó, anh Nhanh quyết định sẽ chọn Metro cho hành trình đi làm của bản thân và đi học của con mình.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố, tất cả 17 tuyến xe buýt điện đều được quy hoạch ở vị trí để người dân có thể tiếp cận nhanh nhất và tiện lợi tại các nhà ga của tuyến Metro số 1. Xe buýt sẽ gom khách từ khu dân cư, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, các trường đại học và cao đẳng chung quanh khu vực thành phố Thủ Đức, quận Bình Thạnh, Quận 1... đến các nhà ga Metro số 1. Đồng thời, xe buýt điện cũng có nhiệm vụ chở người dân từ các nhà ga tuyến Metro đi đến các khu vực lân cận. Bà Nguyễn Thị Dạ Thảo, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông c ông cộng thành phố cho biết: “Sự đổi mới này, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển, mà còn giúp người dân đi lại trong nội thành thành phố thêm sự chọn lựa dịch vụ vận chuyển có chất lượng cao, góp phần vào quá trình hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Cũng theo Sở Giao thông vận tải thành phố, ngoài xe buýt điện, xe đạp công cộng, ô-tô điện cũng đang được tính toán kết nối đồng bộ đến các nhà ga của tuyến Metro số 1 một cách phù hợp và tiện ích nhất cho người dân thành phố.

Gia tăng tiện ích đô thị từ TOD

Theo kế hoạch, đến năm 2028 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát triển TOD ở 11 vị trí dọc tuyến Metro và vành đai chia thành hai giai đoạn; trong đó, có tuyến Metro số 1. Cơ quan chức năng sẽ lần lượt xác định ranh giới, tình trạng pháp lý quy hoạch và chức năng phát triển đô thị của từng khu vực. Quy hoạch nêu trên sẽ phát huy cao nhất năng lực khai thác giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cũng như tạo quỹ đất để triển khai các dự án cải tạo chỉnh trang, đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ… dọc các dự án đường sắt đô thị đã và đang hình thành. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu làm tốt quy hoạch 11 vị trí làm TOD mà thành phố vừa công bố sẽ tạo ra giá trị rất lớn về mặt kinh tế-xã hội; từ đó, kéo theo hàng loạt giá trị gia tăng đi kèm về thương mại, dịch vụ, du lịch…

Trong đó, thị trường bất động sản phía đông thành phố sẽ được “kích hoạt”, hưởng lợi do gia tăng các dịch vụ, tiện ích đô thị từ TOD mang lại khi Nhà nước cùng doanh nghiệp bắt tay đầu tư. Nhất là tuyến Metro số 1, tuyến Metro đầu tiên của thành phố được xem là trục “xương sống” để phát triển về hạ tầng, hoàn thiện giao thông đô thị, dịch vụ và thương mại.

Ghi nhận hai bên đại lộ Võ Nguyên Giáp và đến cuối tuyến Metro hiện có rất nhiều dự án đô thị đã hoàn thành, có dự án đã và đang triển khai. Trong đó, một số khu dân cư hiện hữu có điều kiện thuận lợi và sớm hưởng lợi từ tuyến Metro số 1 như khu vực An Phú, Thảo Điền, các dự án nhà ở, chung cư cao tầng khác… Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: TOD sẽ là mô hình tối ưu hóa sử dụng đất để giải quyết hài hòa nhu cầu, tiện nghi của nhà ở kết nối với giao thông công cộng của đô thị hiện đại. Từ đó, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống; giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường... Do đó, xây dựng các khu TOD không chỉ tạo thuận tiện cho người dân trong việc di chuyển, mà còn giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố.

Để sớm triển khai mô hình TOD tại Việt Nam, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có tuyến Metro số 1 vận hành, ông Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị: Trước mắt, thành phố cần tập trung khai thác vận hành tốt tuyến Metro số 1 cùng với hoàn thiện các hình thức vận chuyển công cộng tổ chức kết nối đồng bộ đến tuyến Metro số 1. Quan trọng hơn, cần thời gian và chiến lược để thay đổi thói quen di chuyển của người dân, khuyến khích họ chuyển sang đi Metro và chịu khó đi bộ hoặc sử dụng các phương tiện công cộng “xanh”.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường thành phố cho rằng: Thành phố nên công bố ranh quy hoạch các vị trí TOD nhằm có định hướng sớm cho người dân nắm bắt; đồng thời, có phương án thu hồi đất hợp lý đối với các mô hình theo kế hoạch đã duyệt. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là điều kiện tiên quyết và rất cần thiết để định hình mô hình TOD phù hợp nhất.