VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích 900 ha; giai đoạn 1 có diện tích 293,7 ha với vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. VSIP Cần Thơ được định hướng xây dựng theo mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững, trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn ở khu vực phía nam, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.
Khi hoàn thành giai đoạn 1, VSIP Cần Thơ có khả năng giải quyết việc làm từ 20 nghìn - 30 nghìn lao động. Trong khuôn khổ lễ khởi động dự án, VSIP Cần Thơ đã ký kết bản ghi nhớ với 12 nhà đầu tư thuê đất và hợp tác kinh doanh.
Xây dựng vùng sản xuất thốt nốt hữu cơ
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch về sản xuất, chế biến thốt nốt hữu cơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại vùng Bảy Núi gồm huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên với tổng kinh phí hơn 5,8 tỷ đồng. Theo đó, hình thành các vùng trồng cây thốt nốt hữu cơ tập trung cung cấp nguồn nguyên liệu (nước thốt nốt, đường thô…) phục vụ sơ chế, chế biến các sản phẩm hữu cơ cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu; liên kết phục vụ du lịch tại địa phương.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, có khoảng 200 cây thốt nốt được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ (cây hơn 40 năm tuổi) và 500 cây vào năm 2030. Các sản phẩm từ mô hình sản xuất thốt nốt hữu cơ được các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ 80% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030.
Độc đáo “Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long”
Du khách tham quan, mua sắm sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long. |
Sở Công thương, Hiệp hội gạch gốm mỹ nghệ và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long vừa phối hợp trưng bày “Con đường nghệ thuật gốm đỏ Vĩnh Long” năm 2023 tại Phường 9, thành phố Vĩnh Long.
Gần 2.500 sản phẩm gốm của 16 doanh nghiệp sản xuất gạch gốm trên địa bàn tỉnh được trưng bày tại đây. Nhằm bảo tồn và phát triển nghề gạch gốm truyền thống kết hợp phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các lò gạch gốm truyền thống hiện có, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định phê duyệt đề án “Di sản đương đại Mang Thít” phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế-xã hội của địa phương.
Khóm (dứa) nghịch mùa tăng giá
Thu hoạch dứa tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. |
Những ngày qua, nhiều thương lái đến vùng trồng khóm của tỉnh Hậu Giang thu mua với giá khá cao. Hiện, giá thu mua tại rẫy từ 10.000-11.000 đồng/trái (khóm loại 1); bán lẻ giá 15.000 đồng/trái. Mức giá này đã tăng khoảng 3.000-4.000 đồng/trái so với tháng trước.
Giá khóm tăng mạnh do đang là mùa nghịch, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu thị trường còn rất lớn. Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 3.000 ha khóm, trồng tập trung tại thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ với giống chủ lực là khóm Cầu Đúc (khóm Queen). Riêng thành phố Vị Thanh hiện có diện tích trồng khóm khoảng 2.800 ha.