Theo ông Youssef, hàng tỷ USD bị thất thoát mỗi năm do hoạt động chuyển lợi nhuận bất hợp pháp, cạnh tranh thuế không lành mạnh và các dòng tài chính trái phép. Chính sách thuế quốc tế hiện nay chủ yếu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) quyết định. Các nước đang phát triển lâu nay chỉ trích sự bất bình đẳng trong quá trình ra quyết định về vấn đề thuế toàn cầu.
Năm 2023, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thúc đẩy một hiệp ước quốc tế, tạo ra hệ thống thuế công bằng hơn cho tất cả các nước. Tuy nhiên, cuối năm 2024, Mỹ cùng một số nước phát triển khác đã bỏ phiếu phản đối, với lý do các điều khoản không phù hợp, có thể hạn chế quyền tự do xây dựng chính sách thuế phù hợp lợi ích quốc gia.
Ngay tại phiên họp đầu tiên, Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi tiến trình đàm phán. Các nền kinh tế lớn khác, như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Israel và New Zealand cũng phản đối các điều khoản của hiệp ước. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển hoan nghênh Liên hợp quốc chính thức khởi động đàm phán và đặt kỳ vọng vào hiệp ước thuế toàn cầu, coi đây là một cơ hội lớn để tăng cường sự bình đẳng trong hệ thống tài chính quốc tế.