Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã phát động một chiến dịch trực tuyến với tên gọi #RightToEducation (tạm dịch “Quyền được giáo dục”) và coi vấn đề này là một nhiệm vụ trọng tâm toàn cầu trong việc bảo đảm cho tất cả mọi người có quyền được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng.
Trên toàn thế giới, có khoảng 262 triệu trẻ em và thanh thiếu niên được đi học, nhưng vẫn còn khoảng 750 triệu thanh niên và người lớn vẫn chưa biết chữ. Đặc biệt, mới chỉ có 1% các quốc gia thực hiện đầy đủ các chính sách giáo dục bắt buộc và miễn phí cho 12 năm phổ thông. Cứ 10 trẻ em trong độ tuổi tiểu học thì có một em không được đi học. Hơn 1/2 trẻ em ở độ tuổi này chưa đạt được trình độ đọc - viết tối thiểu theo tiêu chuẩn giáo dục chất lượng. Bên cạnh đó, cứ năm thiếu niên ở độ tuổi trung học thì có một người không thể tiếp tục duy trì việc học của mình.
Diễn ra từ ngày 15-10 đến ngày 18-12-2018, chiến dịch #RightToEducation nhằm thúc đẩy quyền được giáo dục trở thành hành động trọng tâm hàng đầu của cộng đồng quốc tế, trao quyền cho thanh thiếu niên và người trưởng thành tiếp cận những phương thức giúp họ thay đổi cuộc sống.
Một nền giáo dục tốt và chất lượng sẽ mở ra cho con người những cơ hội phát triển một cách đầy đủ và toàn diện. Ở một khía cạnh khác, giáo dục là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để giúp đỡ trẻ em và người lớn khỏi tình trạng bị “bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển của xã hội. Nghiên cứu của UNESCO cho thấy, nếu tất cả người trưởng thành trên toàn cầu hoàn thành chương trình học phổ thông, số người bị ảnh hưởng bởi đói nghèo trên toàn thế giới sẽ giảm có thể chỉ còn một nửa, thậm chí là nhiều hơn. Giáo dục cũng góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng đối với trẻ em gái và phụ nữ. Hơn nữa, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh sẽ giảm từ 5-10%, nếu trẻ em gái và phụ nữ được tiếp tục đi học.
Quyền được giáo dục cần được tiến hành theo hai cách: thông qua các công cụ quy phạm quốc tế và cam kết chính trị của các chính phủ. Về phía mình, UNESCO cam kết phát triển các tiêu chuẩn giáo dục và theo dõi, thúc đẩy việc thực hiện cam kết của các chính phủ. Bên cạnh đó, cơ quan của LHQ này sẽ hỗ trợ các quốc gia thành lập các chương trình hành động thông qua cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chính sách cho các nước thành viên, nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện để bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục chất lượng cho tất cả mọi công dân. Cùng với đó, UNESCO giúp các chính phủ tăng cường năng lực và xây dựng các cơ chế báo cáo và đánh giá trong công tác này.
UNESCO yêu cầu các nước thành viên báo cáo về những biện pháp được thực hiện ở cấp quốc gia thông qua các cuộc tham vấn thường kỳ, phối hợp các tổ chức trực thuộc LHQ, đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia thành viên để cải thiện tình hình quyền được tiếp cận với giáo dục ở mỗi nước.
Quyết tâm thực hiện chiến dịch #RightToEducation là điều mà ai cũng nhìn thấy, nhưng vẫn tồn tại đâu đó những thách thức và khó khăn: duy trì các chính sách giáo dục bắt buộc và miễn phí cho tất cả mọi công dân là điều mà hiện tại chỉ có số ít các quốc gia thành viên thực hiện được; loại bỏ sự bất bình đẳng giáo dục (thí dụ, ở khu vực Sahara, chỉ có 65 trẻ em nghèo được đi học trong khi hơn 100 trẻ em giàu được tiếp nhận đầy đủ các đặc quyền giáo dục này); bảo đảm quyền được giáo dục cho cả trẻ em di cư (cụ thể, trong năm 2016, vẫn còn 3,5 triệu trẻ em tị nạn đang trong tuổi đến trường nhưng không thể tiếp cận các chương trình giáo dục); chương trình nghị sự về giáo dục của LHQ từ nay cho đến năm 2030 muốn các quốc gia thành viên dành ít nhất 4-6% GDP cho giáo dục; cung cấp đầy đủ kiến thức, cũng như kỹ năng cần thiết cho giới trẻ (một thực tế tồn tại là có 200 triệu thanh niên rời ghế nhà trường mà không được trang bị đầy đủ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống và trong công việc).