Khơi dậy niềm đam mê môn Ngữ văn cho học sinh

Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Ngữ văn Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) luôn sáng tạo, truyền lửa đam mê học tập cho các thế hệ học trò. Vì vậy, 5 năm liên tục, đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 9 của trường giành nhiều giải cao trong kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt và học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt và học trò.

Những năm gần đây, niềm vui liên tiếp đến với thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn khi bộ môn Ngữ văn lớp 9 giành nhiều giải cao với tổng số 73 giải học sinh giỏi cấp thành phố và 33 giải cấp tỉnh, xếp trong tốp đầu các đội tuyển. Với bộ môn Ngữ văn, kết quả này là tâm sức, trí tuệ, nỗ lực không ngừng của cả tập thể, trong đó có vai trò không nhỏ của cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt.

Cô Nguyệt chia sẻ: Các em làm bài theo hình thức tự luận, bài viết vừa phải bảo đảm tính lô-gích, khoa học, vừa sáng tạo, hấp dẫn. Nhiều bài văn của học trò đạt điểm cao nhờ biết vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng làm bài, bảo đảm đúng, đủ ý, đồng thời có những khám phá mới mẻ, giàu chất văn. Môn Ngữ văn không chỉ cung cấp tri thức mà còn làm phong phú thêm cảm xúc, tâm hồn, hướng học trò đến các giá trị nhân văn sâu sắc của đời sống.

Để các tiết học không bó hẹp theo phương pháp truyền thống cô đọc-trò chép, cô Nguyệt luôn định hướng cho học sinh cách quan sát, nghiên cứu tài liệu tham khảo, từ đó hình thành kỹ năng phát hiện, giải quyết vấn đề, mạnh dạn thể hiện quan điểm cá nhân thay vì phụ thuộc vào văn mẫu; đồng thời, liên hệ thực tế trong đời sống để lan tỏa tới học sinh niềm say mê văn chương.

Từ cách làm riêng của bản thân, cô Nguyệt đúc rút thành sáng kiến kinh nghiệm như: “Phương pháp giảng-bình trong giờ đọc-hiểu văn bản” (năm học 2017-2018), “Tạo chất văn cho bài nghị luận xã hội” (năm học 2020-2021); “Cách đưa dẫn chứng trong bài văn nghị luận xã hội” (năm học 2021-2022)… Hiện các giải pháp này đang phát huy hiệu quả trong dạy và học môn Ngữ văn tại Trường THCS Lê Quý Đôn.

Theo cô Nguyệt, để dạy tốt môn Ngữ văn, nhất là bồi dưỡng học sinh giỏi, bản thân cô thường xuyên sưu tầm tài liệu, học hỏi, tích lũy kiến thức từ nhiều nguồn tư liệu cũng như từ đồng nghiệp, học sinh. Gắn bó để theo dõi sự tiến bộ của học sinh, những gì học sinh làm được và chưa làm được giáo viên đều phải nắm bắt để có những lời động viên, khích lệ, chỉnh sửa kịp thời. Cùng với niềm say mê giảng dạy môn Ngữ văn, cô Nguyệt đặc biệt chú trọng dạy kỹ năng sống cho học trò, hướng các em đến những giá trị chân-thiện-mỹ, tiến bộ về ý thức, thái độ và hành vi.

Và thông qua công nghệ số hóa, cô đã đưa ra nhiều thông tin thời sự mới mẻ từ thực tiễn cuộc sống vào bài giảng, thường xuyên giới thiệu những cuốn sách, bài báo hay theo chủ đề của bài học, tổ chức chương trình ngoại khóa, trao cơ hội cho học trò phát huy tính chủ động, sáng tạo,...

Cô giáo Ngô Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt có bề dày trong công tác giảng dạy, nhất là có nhiều kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; có lối sống giản dị, chân thành, hòa đồng và luôn giúp đỡ, bồi dưỡng chuyên môn cho đồng nghiệp. Cô Nguyệt là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhiều năm qua, cô trực tiếp bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh và đạt nhiều giải cao. Nhiều năm liên tục, cô Nguyệt đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh; được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang khen thưởng. Năm học 2021-2022, cô được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc…■