Đằng sau tấm Huy chương Vàng thể hình của Đặng Thanh Tùng

NDO -

Từng gặp chấn thương nặng đến mức không thể đứng thẳng người, đã có lúc Đặng Thanh Tùng nghĩ tới giải nghệ. Thế nhưng, ý chí thép, nghị lực phi thường đã giúp anh vượt qua khó khăn, rồi giành "vàng" về cho Tổ quốc trong kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á được tổ chức chính trên sân nhà.

Đằng sau tấm Huy chương Vàng quý giá là nghị lực vươn lên của lực sĩ Đặng Thanh Tùng. (Ảnh: SƠN BÁCH)
Đằng sau tấm Huy chương Vàng quý giá là nghị lực vươn lên của lực sĩ Đặng Thanh Tùng. (Ảnh: SƠN BÁCH)

Từ việc từng nghĩ tới việc giải nghệ

Chiều 13/5, tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội, môn thi đấu thể hình đã chính thức được diễn ra. Đây cũng là ngày đánh dấu sự trở lại của huyền thoại Phạm Văn Mách khi vận động viên 46 tuổi xuất sắc giành “vàng” ở hạng cân 55kg. 

Trong khi chưa hết ngỡ ngàng, hàng trăm khán giả lại tiếp tục thán phục khi một “ông lão” khác của Đoàn Thể thao Việt Nam là Đặng Thanh Tùng bước lên bục vinh quang. Ở tuổi 42, anh trở thành vận động viên thứ hai mang về tấm huy chương Vàng cho môn thể hình. Ít ai biết, chỉ 10 năm trước, Thanh Tùng đã từng phải nghĩ tới việc giải nghệ.

Năm 2001, vì hâm mộ lực sĩ Phạm Văn Mách và Lý Đức, Thanh Tùng “bén duyên” với thể hình. Sau 2 năm tự mày mò, anh mới chính thức được học lại từ đầu các kỹ năng, bài tập chuyên nghiệp và áp dụng chế độ ăn uống chuẩn theo một vận động viên chuyên nghiệp. Năm 2005, Thanh Tùng bước lên đỉnh vinh quang lần đầu tiên khi vô địch giải thể hình Thành phố Hồ Chí Minh hạng cân 65kg và ngay sau đó là huy chương vàng vô địch châu Á. Trong các năm tiếp theo, cái tên Thanh Tùng trở thành “bảo chứng vàng”  mỗi lần thi đấu.

Đằng sau tấm Huy chương vàng thể hình của Đặng Thanh Tùng -0
Lực sĩ Đặng Thanh Tùng (thứ hai từ trái sang) trong phần biểu diễn của mình.  

Ngay khi đang bước vào thời kỳ đỉnh cao, năm 2012, chàng lực sĩ sinh năm 1980 bất ngờ gặp tai nạn khiến phần đầu, cột sống và gót chân bị chấn thương nghiêm trọng. Các bác sĩ khi đó buộc phải đưa ra lời khuyên Tùng nên dừng sự nghiệp để đảm bảo an toàn. Anh phải điều trị hơn 1 tháng bất động, chỉ có thể bò vì không thể đứng thẳng người. Đó là giai đoạn chàng lực sĩ vàng cảm thấy suy sụp và mịt mù về tương lai nhất.

Thế nhưng, tình yêu và nỗi nhớ với tạ, với căn phòng tập mỗi ngày khiến Tùng gượng dậy. Sau khi ổn hơn, Tùng tập tễnh trở lại trong sự động viên, ủng hộ của gia đình, bè bạn. Sau quãng thời gian dài tập phục hồi, Tùng bắt đầu trở lại cuộc đua vượt qua chính mình. Năm 2014, làng thể hình chính thức đón chào sự trở lại của Thanh Tùng tại Đại hội thể hình toàn quốc. Cũng trong năm này, anh tham gia thêm công tác đào tạo, huấn luyện các vận động viên trẻ.

… đến tấm Huy chương Vàng ở tuổi 42

Chiều 13/5, khu vực thi đấu của bộ môn Thể hình tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội đã đông kín người. Sau màn biểu diễn “rất cháy” của huyền thoại Phạm Văn Mách, đến lượt Thanh Tùng bước lên bục thi đấu. Xuyên suốt phần thể hiện, người ta luôn thấy Tùng cười. Tận tới khi ban tổ chức thông báo anh đã giành Huy chương Vàng, chàng lực sĩ 42 tuổi mới bật khóc. 

Trao đổi với phóng viên, Tùng xúc động: “Tôi xin giành tấm Huy chương Vàng này gửi tới tất cả các thầy cô đã dẫn dắt tôi trong quãng đường rất dài. Bên cạnh đó, tôi cũng xin dành tặng cho vợ con tôi những người đã yêu thương, ủng hộ tôi trong suốt chặng đường thi đấu”.

Anh cho biết thêm: Chiến thắng hôm nay bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân vận động viên còn đến từ sự nỗ lực của cả một ekip, các thầy cô và đội ngũ hậu cần. 

Đằng sau tấm Huy chương vàng thể hình của Đặng Thanh Tùng -0
Khán giả phấn khích với màn biểu diễn của Bộ môn Thể hình. 

“Để có ngày hôm nay các vận động viên phải trải qua biết bao nhiêu cái khổ ở trong thời kỳ Covid-19, thậm chí anh em phải tập dưới hầm khách sạn. Bây giờ mọi nỗi khổ đã tan biến, cảm ơn tất cả mọi người đã theo dõi và cổ vũ để các vận động viên như được tiếp thêm sức mạnh thi đấu”, Thanh Tùng chia sẻ. 

Chứng kiến thành công của đồng đội từ khán đài, lực sĩ Trần Hoàng Duy Phúc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Đặng Thanh Tùng là người rất điềm đạm, hiền và chăm chỉ, có kinh nghiệm. 

Đằng sau tấm Huy chương vàng thể hình của Đặng Thanh Tùng -0

Với riêng Thanh Tùng, tấm Huy chương Vàng quý giá ngay trên sân nhà ở độ tuổi 42 chính là minh chứng rõ nhất cho nghị lực, niềm tin vượt qua nghịch cảnh. 

“Tùng với tôi có nhiều kỷ niệm bởi anh em đã thi đấu chung rất nhiều giải châu Á đến Thế giới, hai anh em cũng là vận động viên của đội tuyển thành phố Hồ Chí Minh. Hôm nay, Tùng đã thi đấu rất tốt. Tôi xin gửi lời chúc mừng tới toàn đội”.

Những kỳ tích U50

Ngày thi đấu đầu tiên Bộ môn Thể hình chứng kiến những “kỳ tích” U50 của Đoàn Thể thao Việt Nam. Ở tuổi 46, lực sĩ Phạm Văn Mách đã vượt qua hai đối thủ đến từ Malaysia và Myanmar để giành Huy chương Vàng ở hạng cân 55kg. Đây là tấm huy chương quý giá lực sĩ này giành được sau quãng thời gian “giãn cách” 15 năm giữa kỳ Đại hội 2007 và 2022.

Liền sau đó, Đặng Thanh Tùng tiếp tục “gặt vàng” ở hạng cân 65kg khi vượt qua các đối thủ rất mạnh tới từ Thái Lan và Myanmar. 

Phạm Văn Mách cho hay: Bình thường, anh có cân nặng 68kg. Để tham gia hạng cân thi đấu, anh đã buộc phải cắt giảm tới 13kg trong vòng 6 tháng. Sau SEA Games 31 này, lão tướng huyền thoại sẽ tiếp tục tham gia giải châu Á và Đại hội Thể thao toàn quốc vào cuối năm.

Hai tấm Huy chương Vàng dành cho “những kỳ tích” U50 tiếp tục khẳng định tinh thần thể thao không giới hạn đúng với khẩu hiệu Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn của SEA Games 31.