Khoảng trống tư vấn tâm lý học đường

Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế, xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý học sinh với những biểu hiện đáng lo ngại. Do vậy, nếu học sinh không được tư vấn, định hướng, giải tỏa tâm lý kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhẹ thì chán học, bỏ học; nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường…

Một buổi tư vấn tâm lý, sinh lý cho học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: TÙNG ANH
Một buổi tư vấn tâm lý, sinh lý cho học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: TÙNG ANH

Nhiều vấn đề được gỡ rối kịp thời

Thế hệ trẻ ngày nay, bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập như sự năng động, tích cực, hiểu biết rộng, quan hệ giao tiếp đa dạng, thì trong cuộc sống cũng không ít những ảnh hưởng tiêu cực cũng đang xâm nhập vào tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh như hành vi bạo lực, tính ích kỷ, thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác. Vụ trưởng Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD và ĐT) Ngũ Duy Anh cho biết: Đối với học sinh phổ thông, khi nhân cách các em đang trong quá trình hình thành, phát triển, có thể phải đối mặt với nhiều thách thức không dễ vượt qua. Các vấn đề tâm lý, các khó khăn trong cuộc sống khá phổ biến như căng thẳng trong học tập, sự lúng túng trong định hướng nghề nghiệp… Một số học sinh dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, lối sống buông thả, xao nhãng học tập dẫn đến kết quả học tập yếu, thậm chí bị buộc thôi học, cá biệt có người bị vi phạm pháp luật, bị xử lý. Khi các vấn đề tâm lý nảy sinh, cá nhân không dễ tự vượt qua mà cần có sự quan tâm của nhà trường, thầy giáo, cô giáo và trợ giúp của các chuyên gia. Vì vậy, tư vấn tâm lý học đường, một mặt có thể giúp xử lý các vấn đề tâm lý nảy sinh, mặt khác có thể tổ chức ngăn ngừa bằng cách tăng cường khả năng thích ứng của học sinh trước các biến đổi của xã hội, tạo ra “khả năng miễn dịch” hay khả năng tự giải quyết vấn đề; giúp các em có trách nhiệm hơn với bản thân, cũng như với những người chung quanh và cộng đồng.

Kết quả cuộc khảo sát gần đây do Bộ GD và ĐT tiến hành, hầu hết số học sinh, sinh viên (HSSV) được hỏi đều gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần phải chia sẻ trong học tập và đời sống hằng ngày. Trong đó, nhiều học sinh có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. HSSV mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống.

Nắm được nhu cầu tư vấn tâm lý của học sinh trong nhà trường hiện nay, thời gian qua, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) đã có những chuyển biến tích cực ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực của học sinh. Đến nay, số lượng học sinh đến với phòng tham vấn học đường của nhà trường ngày càng đông. Từ chỗ rụt rè khi gặp cán bộ tham vấn, các em đã chủ động liên hệ gặp để tâm sự, chia sẻ và nhờ sự giúp đỡ. Ngoài những tham vấn cá nhân, còn có rất nhiều ca tham vấn nhóm của các em học sinh nam và nữ về những khó khăn mà các em đang gặp phải trong học tập, mâu thuẫn tình cảm, định hướng nghề...

Còn tại Trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hà Nội), Hiệu trưởng Lý Thị Lương cho biết: Trong lứa tuổi học sinh THCS, có nhiều diễn biến tâm lý khiến học sinh dễ rơi vào khủng hoảng tuổi mới lớn. Những hành vi lệch chuẩn, những thói hư, tật xấu, những khó khăn giao tiếp trong ứng xử là thường xảy ra. Ý thức được điều này, trường đã thành lập phòng tư vấn tâm lý tuổi hồng với mục đích phòng ngừa, hỗ trợ và tư vấn tâm lý cho học sinh, giúp các em vượt qua được những khủng hoảng tuổi mới lớn, tránh được những vấn đề bạo lực học đường. Năm học 2014-2015, phòng tâm lý tuổi hồng đã đón nhận và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho 70 học sinh, trong đó có tới 75% bị rối loạn hành vi không tuân thủ nội quy, trêu chọc, gây sự với bạn bè, thiếu động lực học tập và 25% số các em bị căng thẳng liên quan đến học tập. Em Trần Thu Hương, học sinh Trường THCS Ngô Sỹ Liên chia sẻ: Mỗi khi gặp khó khăn trong học tập hay những điều thầm kín, khó chia sẻ với bạn bè, gia đình, em lại tìm đến phòng tư vấn tâm lý tuổi hồng. Tại đây, em được giải tỏa, động viên và tháo gỡ mọi khó khăn đang gặp phải.

Vẫn còn đó những băn khoăn

Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng và triển khai tương đối có hiệu quả mô hình tư vấn tâm lý trong trường học như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Khánh Hòa... Tuy nhiên, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận: Công tác tư vấn tâm lý trường học vẫn đang gặp phải không ít khó khăn và vướng mắc. Hiện nay, công tác tư vấn tâm lý chưa được triển khai sâu rộng tại các cơ sở giáo dục, hầu hết các nhà trường chưa được bố trí biên chế cán bộ chuyên trách công tác tư vấn tâm lý; thiếu kinh phí hoạt động. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý phần lớn là các giáo viên kiêm nhiệm, các chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm, quy định cụ thể; chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, các tài liệu phục vụ quá trình tổ chức tư vấn còn thiếu thốn, nội dung tư vấn tâm lý chưa được nghiên cứu, chỉ đạo đầy đủ, bài bản. Công tác phối hợp trong quản lý, giáo dục học sinh chưa được quan tâm, nhất là chưa phát huy được vai trò của cha mẹ học sinh trong việc phát hiện sớm và phối hợp xử lý, can thiệp kịp thời đối với các học sinh có những biểu hiện khác thường, cần được giúp đỡ…

Theo các chuyên gia giáo dục, hoạt động tư vấn tâm lý học đường thật sự cần thiết trong mỗi nhà trường, cần được sự quan tâm đúng mức và kịp thời của các cấp quản lý giáo dục nhằm cung cấp cho học sinh “liều thuốc tinh thần”, giúp các em vượt qua những khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn. Để công tác tư vấn trường học là một hoạt động có ý nghĩa, góp phần giải quyết hiệu quả các khó khăn trong đời sống tâm lý của học sinh, các nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề như mời các chuyên gia tư vấn tâm lý nói chuyện, trao đổi với học sinh. Trong khi đó, về phía quản lý nhà nước, Bộ GD và ĐT cần có chính sách hỗ trợ cho các lực lượng tư vấn tâm lý trong nhà trường và cần thiết phải xây dựng một khung chương trình tổ chức hoạt động văn hóa các nhà trường kèm theo tiêu chí đánh giá, kiểm soát việc thực hiện.