Chiều 30/6, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác công an 6 tháng đầu năm 2022. Đồng chí Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Công an chủ trì họp báo.
Tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, công tác bảo vệ an ninh quốc gia được triển khai thực hiện quyết liệt, bảo đảm yêu cầu đề ra, giữ vững ổn định chính trị-xã hội; bảo đảm an ninh, an toàn nhiều sự kiện chính trị-xã hội quan trọng; đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ chống phá của các thế lực thủ địch, phản động, giữ vững an ninh quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn SEA Games 31; chủ động, tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được triển khai quyết liệt với các cách làm mới, biện pháp mới, tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội; kiềm chế gia tăng tội phạm (xảy ra 19.685 vụ phạm tội về trật tự xã hội, giảm 23,16% so cùng kỳ năm 2019, giảm 9,94% so cùng kỳ năm 2021; đã điều tra, làm rõ 17.112 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,93%; triệt phá 335 băng, nhóm tội phạm; bắt và vận động đầu thủ 2.782 đối tượng truy nã).
Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, ma túy, sử dụng công nghệ cao, môi trường... được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả tích cực. Cụ thể, phát hiện 13.417 vụ phạm tội về ma túy, giảm 11,45% so cùng kỳ năm 2021.
Công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phóng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đạt nhiều kết quả tích cực.
Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai đồng bộ các giải pháp. Công tác pháp chế, cải cách hành chính, tư pháp được đẩy mạnh và quyết liệt ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật. Công tác kế hoạch, tài chính, hậu cần, kỹ thuật được quan tâm, triển khai đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác của Công an các đơn vị, địa phương. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, công tác khoa học, chiến lược và lịch sử Công an được đẩy mạnh và đạt kết quả quan trọng.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị của Bộ Công an, Công an địa phương đã trả lời một số vấn đề được cơ quan báo chí quan tâm. Theo đó, liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, đến nay số tiền tập đoàn nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03 - Bộ Công an) mở tại Kho bạc Nhà nước là khoảng 2.100 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm xem đến bao giờ có thể nhận lại tài sản bị chiếm đoạt.
Về vấn đề này, đại diện C03 (Bộ Công an) cho biết, đơn vị hiểu rõ tâm lý của các nhà đầu tư hiện nay đang lo lắng về việc liệu có lấy được lại tài sản.
Tuy nhiên, theo C03, vụ án hiện vẫn đang trong quá trình điều tra, số lượng bị hại đến trình báo chưa đầy đủ, mới được khoảng 50%. Vì vậy, cần điều tra để xác minh đầy đủ số lượng bị hại, từ đó mới có thể để xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định chi trả cho các nhà đầu tư số tiền bị chiếm đoạt. Đại diện C03 cũng đề nghị nhà đầu tư là bị hại trong vụ án đến cơ quan Công an trình báo để việc điều tra được triệt để.
Một vấn đề khác được nêu ra tại họp báo đó là việc bổ sung thông tin ADN của người dân vào các trường thông tin trong Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), bổ sung ADN là nội dung đang được đề xuất để lấy ý kiến nhân dân, để thực hiện được cần phải luật hóa và được Quốc hội thông qua.
Việc bổ sung thông tin về ADN có giá trị quan trọng đối với ngành y, thuận tiện trong quá trình xác định huyết thống, xác định nhân thân nạn nhân trong một số vụ việc. Các thông tin về ADN của người dân được bảo mật tuyệt đối và việc bổ sung thông tin ADN vào căn cước công dân gắn chíp điện tử chủ yếu nhằm mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.