Tuyên bố Lugano đề ra các nguyên tắc về tái thiết Ukraine, nhấn mạnh các quốc gia hoàn toàn ủng hộ Ukraine trên con đường phục hồi lâu dài ngay từ giai đoạn đầu, ủng hộ tương lai của Ukraine và quy chế quốc gia ứng cử viên EU của nước này.
Trong số các nguyên tắc được nêu ra, Tuyên bố Lugano xác định Ukraine cần tự mình làm chủ quá trình tái thiết.
Tuyên bố có đoạn: “Quá trình phục hồi phải góp phần đẩy nhanh, làm sâu sắc, mở rộng và đạt được các nỗ lực cải cách và khả năng phục hồi của Ukraine phù hợp với con đường trở thành thành viên EU của Ukraine”.
Văn kiện này cũng nhấn mạnh, “quá trình phục hồi phải minh bạch và có trách nhiệm với người dân Ukraine”, kêu gọi quá trình phục hồi phải “toàn diện và bảo đảm bình đẳng giới, xây dựng lại Ukraine một cách bền vững”.
Tổng thống Thụy Sĩ Iganzio Cassis, đồng chủ trì Hội nghị về tái thiết Ukraine, đã hoan nghênh Tuyên bố Lugano là “bước đi đầu tiên quan trọng trên con đường phục hồi lâu dài của Ukraine”.
Phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị, Tổng thống Iganzio Cassis cho rằng, công việc của các bên là chuẩn bị cho giai đoạn hậu chiến ngay cả khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn.
Trước đó, phát biểu trong ngày đầu tiên của Hội nghị, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 4/7 tuyên bố, công cuộc tái thiết Ukraine có thể tiêu tốn khoảng 750 tỷ USD.
Theo ông Shmyhal, những thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng do cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine ước tính đã lên tới hơn 100 tỷ USD.
Thủ tướng Ukraine cho biết, kế hoạch tái thiết bao gồm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu đang được triển khai tập trung vào nhiệm vụ sửa chữa những cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày của người dân như hệ thống cấp nước.
Tiếp đến là giai đoạn tái thiết nhanh sẽ được thực hiện ngay sau khi xung đột chấm dứt, gồm các dự án xây các khu nhà tạm, bệnh viện và trường học. Cuối cùng là giai đoạn tạo chuyển biến cho đất nước trong dài hạn.