Theo một nghiên cứu mới được công bố, tình trạng cạn kiệt nước ngầm tại Iran đã ở tình trạng báo động. Cụ thể, hai nhà khoa học Mahmud Haghighi và Mahdi Motagh thuộc Đại học Leibniz của Đức đã tiến hành phân tích dữ liệu vệ tinh thu thập được trong giai đoạn 2014-2020 để đánh giá tác động của việc khai thác nước ngầm trên khắp lãnh thổ Iran.
Kết quả được công bố cho thấy, có tới 3,5% diện tích đất nước châu Á này đang sụt lún. Một số khu vực “chìm đi” với tốc độ đáng ngạc nhiên, lên tới hơn 10cm/năm. Tại tỉnh Kerman phía đông nam Iran, tốc độ sụt lún còn lên tới hơn 35cm/năm.
Hình ảnh quan sát từ vệ tinh cũng cho thấy, nhiều vết nứt và hố sụt lớn đã xuất hiện. Sụt lún thậm chí ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng như sân bay, đường bộ và đường sắt.
Tốc độ sụt lún của Iran đang được xếp vào nhóm cao nhất thế giới và “có thể không thể khắc phục” tại một số khu vực - nơi các tầng chứa nước đã sụp đổ hoàn toàn.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm, việc khai thác nước ngầm thiếu bền vững đang khiến gần 90 triệu dân của đất nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhóm nghiên cứu cũng kêu gọi Chính phủ Iran cần hành động ngay lập tức và có chính sách thống nhất về quản lý nước ngầm trong thời gian tới.