Khoảng 27 nghìn giao dịch bất động sản trong 6 tháng tại Lâm Đồng

NDO - Thông tin tại Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa 10, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Văn Hiệp cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh chỉ thực hiện khoảng 27 nghìn giao dịch bất động sản.
0:00 / 0:00
0:00
Chiều Đà Lạt. (Ảnh minh họa)
Chiều Đà Lạt. (Ảnh minh họa)

Ngày 12/7, Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa 10, nhiệm kỳ 2021-2026, diễn ra phiên làm việc thứ 2, với nội dung chất vấn lãnh đạo các sở, ngành về các vấn đề cử tri quan tâm; thông qua nhiều nghị quyết quan trọng và bế mạc kỳ họp thông lệ giữa năm 2023 vào chiều cùng ngày.

Tại phiên làm việc buổi sáng, sau phần chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã có bài phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Khoảng 27 nghìn giao dịch bất động sản trong 6 tháng tại Lâm Đồng ảnh 1

Quang cảnh Kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa 10.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông tin, hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo tháo gỡ, nhưng nhìn chung tình hình vẫn rất khó khăn. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh chỉ thực hiện khoảng 27 nghìn giao dịch bất động sản đất nền, nhà ở riêng lẻ và chung cư; giảm hơn 36 nghìn giao dịch; cấp gần 1.600 giấy phép xây dựng, giảm hơn 500 trường hợp so cùng kỳ năm 2022.

Thời gian qua, một số địa phương tại Lâm Đồng gặp khó khăn, lúng túng trong việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết hồ sơ tách thửa, hợp thửa đất, kinh doanh bất động sản, hiến đất làm đường giao thông… ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 4464, ngày 23/5/2023, về chấm dứt hiệu lực toàn bộ các văn bản liên quan tách thửa, hợp thửa đất; đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hoàn thiện quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.

“Chúng ta chỉ thực hiện các quy định của Trung ương, không đặt ra một số quy định để kiểm soát tình hình trong một số giai đoạn thấy khó khăn nhất định”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Khoảng 27 nghìn giao dịch bất động sản trong 6 tháng tại Lâm Đồng ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 10.

Đồng chí nêu thí dụ, như việc phân lô, bán nền tại thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm diễn ra trong thời gian qua. Nếu tỉnh không có những biện pháp mang tính hành chính thì đến bây giờ tình hình sẽ rất khó khăn, nên phải chấn chỉnh trong thời gian đó. Bắt đầu từ bây giờ, mọi việc thực hiện theo quy định pháp luật.

Nhấn mạnh một số nội dung, giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho rằng, cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, hoàn thiện, trình phê duyệt các quy hoạch quan trọng, như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý 3/2023); điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận tại Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023) và các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Khoảng 27 nghìn giao dịch bất động sản trong 6 tháng tại Lâm Đồng ảnh 3

Khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản, theo dõi sát thị trường bất động sản, tăng cường thông tin dự báo, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường biến động bất thường, kịp thời xử lý các vấn đề “nóng” phát sinh.