Quyết tâm và đồng bộ từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghiên cứu, bàn thảo và khẩn trương ban hành Kế hoạch số 30-KH/TU, ngày 5/8/2021 về thực hiện Kết luận số 01- KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Kế hoạch đề ra 6 nhóm công việc, trong đó nhấn mạnh nội dung: Yêu cầu tập thể cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể xây dựng chương trình toàn khóa và kế hoạch hành động hằng năm. Xác định rõ các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các nhiệm vụ đột phá, sáng tạo; các hạn chế, bức xúc nổi cộm, điểm nghẽn, những vấn đề tồn đọng lâu năm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, lựa chọn một số công việc trọng tâm đăng ký thực hiện để khắc phục, tạo chuyển biến rõ nét.
Ðối với cấp tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định 3 nhóm nội dung công việc đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ngay, đó là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, đồng thời chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số, khởi nghiệp, sáng tạo; huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị xanh, thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thách thức của người đứng đầu đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã lựa chọn 36 công việc đột phá để thực hiện dứt điểm trong năm, đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đăng ký công việc đột phá thực hiện trong năm 2022. Ðây chính là việc vận dụng sáng tạo Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị với thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 17 nhằm nâng cao ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển của Ðảng bộ tỉnh Hải Dương trong thời kỳ mới.
Kết hợp chặt chẽ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo từng bước hoàn thiện các hệ thống quy định, văn bản để triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, trong đó chú trọng phong cách làm việc khoa học, sâu sát cơ sở, đề cao tính gương mẫu, nói đi đôi với làm, tự giác làm gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt trong toàn đảng bộ tỉnh. Chỉ đạo cán bộ, đảng viên cam kết thực hiện trách nhiệm, gương mẫu, nêu gương; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương...
Ðồng thời, triển khai thực hiện Ðề án số 02-ÐA/TU về “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2030”. Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản về công tác cán bộ như: Quy định tiêu chuẩn chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các chức danh cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy định về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ; về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử cho phù hợp thực tiễn.
Chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng, khen thưởng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; gợi ý kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân... nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Ðảng; chỉ đạo hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; ban hành Kế hoạch thực hiện “Ðẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và cải cách tài chính công; tăng cường kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân trong các cơ quan nhà nước”...
Với phương châm kiên quyết, kiên trì, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, đồng thuận trong xã hội và giữ vững ổn định chính trị, xã hội, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong toàn Ðảng bộ tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đã chỉ đạo khắc phục kịp thời nội dung các kết luận thanh tra, kiểm tra của các đoàn kiểm tra trung ương, các thông tin báo chí nêu, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm, xem xét xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân có liên quan...
Năm 2021, Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra 90 đảng viên và 23 tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra kết luận 17 tổ chức đảng có vi phạm, phải thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng và 67 đảng viên có vi phạm, trong đó 34 đảng viên phải thi hành kỷ luật. Tiến hành kiểm tra 589 tổ chức đảng cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; kiểm tra 299 tổ chức đảng về việc thi hành kỷ luật Ðảng; giám sát chuyên đề 351 đảng viên và 404 tổ chức đảng; thi hành kỷ luật 64 đảng viên; giải quyết tố cáo đối với 44 đảng viên và 6 tổ chức đảng; kiểm tra tài chính đảng và việc thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí đối với 527 tổ chức; tiếp nhận 470 lượt đơn tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh...
Qua kiểm tra, giám sát cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã chỉ rõ những ưu điểm, khuyết điểm và yêu cầu đề ra biện pháp khắc phục; xử lý kỷ luật nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Qua kiểm điểm đã tập trung làm rõ những hạn chế, khuyết điểm của tập thể và cá nhân, nhất là vai trò của người đứng đầu. Sau kiểm điểm, các tập thể, cá nhân đã xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm.
Nghiêm túc, quyết liệt từ trên xuống, “Khoán sản phẩm” cho người đứng đầu
Có thể khẳng định, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Ðảng bộ tỉnh Hải Dương luôn coi trọng tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Thường trực Tỉnh ủy xác định việc gương mẫu, nêu gương cần được làm đồng bộ theo tinh thần “trên trước, dưới sau”, trước hết là các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Nội dung cần rõ việc, gắn với nhiệm vụ chính trị mang tính sáng tạo, bứt phá, giải quyết những vấn đề nổi cộm, các điểm nghẽn, vấn đề còn tồn đọng lâu năm của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện sự thống nhất giữa lời nói đi đôi với việc làm của người đứng đầu theo phương châm “3 không” (không nói không; không nói khó; không nói có nhưng không làm); “5 rõ” (rõ người; rõ việc; rõ tiến độ; rõ hiệu quả; rõ trách nhiệm); “6 dám” (dám nghĩ; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám nói; dám đột phá sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách).
Với quyết tâm như vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định phê duyệt đợt 1 gồm 178 công việc đột phá, sáng tạo năm 2022 cho 90 đồng chí là Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Ðây là nhóm những công việc bảo đảm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh lãnh đạo theo quy định gắn với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị mà các đồng chí đang lãnh đạo, quản lý.
Theo quyết định đã phê duyệt, đồng chí lựa chọn đăng ký nhiều nhất là 5 công việc, ít nhất là 1 công việc đột phá. Nội dung công việc mà các đồng chí đã đăng ký và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận, giao nhiệm vụ hầu hết tập trung vào những vấn đề nóng như: Công tác quy hoạch của địa phương (đồng chí Bí thư Thành ủy Chí Linh, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương); công tác giải phóng mặt bằng (đồng chí Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn, Cẩm Giàng); cải cách thủ tục hành chính (đồng chí Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang); xây dựng nông thôn mới (đồng chí Bí thư Huyện ủy Nam Sách); Xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản, phát triển nông nghiệp hàng hóa (đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ); lĩnh vực tài nguyên, môi trường (đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Chí Linh); lĩnh vực chuyển đổi số (đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông)...
Những công việc nêu trên đòi hỏi tính sáng tạo, đổi mới, khi thực hiện sẽ mở ra hướng phát triển đột phá mới, điểm nhấn về kinh tế-xã hội cho địa phương, đơn vị. Hoặc, tập trung vào những công việc còn tồn đọng, bức xúc bấy lâu nay chưa được giải quyết, đang gây cản trở cho sự phát triển chung, cần có sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu để tháo gỡ, cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy để giải quyết dứt điểm trong năm 2022 này.
Quá trình 178 công việc đột phá, sáng tạo mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho cá nhân các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lãnh đạo, quản lý là cấp trưởng diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý với quá trình thực hiện bài bản, nghiêm túc, chắc chắn tạo ra nguồn sinh lực mới từ sự gương mẫu, nêu gương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, tạo sự bứt phá trong công tác xây dựng Ðảng, chính quyền và phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đáp ứng niềm mong mỏi của nhân dân, góp phần xây dựng Ðảng bộ tỉnh Hải Dương ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.