Khoác “áo mới” cho Gò Công

Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị xã Gò Công chính thức trở thành thành phố Gò Công, đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh từ ngày 1/5/2024. Đây là trung tâm kinh tế-xã hội khu vực phía đông của tỉnh Tiền Giang, có bề dày lịch sử lâu đời và đặc trưng riêng biệt.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Gò Công hôm nay.
Một góc thành phố Gò Công hôm nay.

Theo các tư liệu lịch sử, trước đây, thành phố Gò Công có xã Long Thuận là trung tâm văn hóa của vùng Gò Công. Tiền thân của xã là 2 thôn Thuận Tắc và Thuận Ngãi đã có từ thời Vua Gia Long. Trên con đường Nam tiến của cha ông ta, người xưa đã khai hoang, giữ đất, lập làng, bám làng. Từ đó, vùng đất này để lại cho hậu thế nhiều di tích lịch sử văn hóa như:

Lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, Lăng Hoàng Gia, Nhà Đốc Phủ Hải, Lăng Võ Tánh, Đình Trung, Văn Thánh Miếu và nhiều nhà cổ, nhà thờ, đình, chùa, miếu mộ. Thành phố Gò Công cũng từng là trung tâm tỉnh lỵ Gò Công, nhiều nơi của thành phố đã in đậm dấu son như vùng căn cứ của Tỉnh ủy Gò Công tại xã Bình Xuân.

Xác định vị thế quan trọng của thị xã Gò Công và tầm nhìn phát triển trong tương lai, ngày 27/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang ban hành Nghị quyết 12 về lãnh đạo xây dựng thị xã Gò Công trở thành thành phố Gò Công. Để cụ thể hóa chủ trương này, ngày 9/6/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Gò Công cũng đã ban hành Chương trình hành động 13 để thực hiện Nghị quyết 12 với mục tiêu xây dựng và phát triển thị xã thành thành phố Gò Công trước năm 2025, xứng tầm là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, dịch vụ, du lịch của khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang; thể hiện vai trò là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng chung của tỉnh, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, văn minh, hiện đại, môi trường đô thị xanh-sạch-đẹp; gắn phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo Nghị quyết số 1013/NQ-UBTVQH15 ngày 19/3/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp, thành lập các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công (Tiền Giang), thành phố Gò Công hiện có diện tích tự nhiên khoảng 102 km2, quy mô dân số gần 152.000 người; có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 3 xã. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Gò Công (nay là thành phố Gò Công) Giản Bá Huỳnh cho biết:

Việc thành lập thành phố trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị xã Gò Công là phù hợp các quy định hiện hành, hoàn toàn tương xứng với vị thế địa chính trị, địa kinh tế của thị xã Gò Công, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; chương trình phát triển đô thị thị xã Gò Công đến năm 2035 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

Thành phố Gò Công được thành lập sẽ tạo điều kiện khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh phát triển vùng đất Gò Công phù hợp với phát triển đô thị Việt Nam, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tiền Giang; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ-thương mại và du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; xây dựng nếp sống văn minh đô thị và công dân thân thiện; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Sau khi được công nhận là thành phố loại 3 trực thuộc tỉnh Tiền Giang, Gò Công phấn đấu phát triển nhanh và bền vững; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; tập trung thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ gắn với công nghiệp, chỉnh trang đô thị; thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp nằm dọc theo Quốc lộ 50 và sông Soài Rạp.

Bên cạnh đó, địa phương còn mời gọi các dự án lĩnh vực giao thông và khu dân cư trong khu vực lân cận nội thị, phát triển cơ sở hạ tầng để đạt tiêu chuẩn thành phố. Thành phố sẽ đầu tư hoặc mời gọi đầu tư nhà máy chế biến trái cây; hình thành các khu, cụm công nghiệp; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và định hướng phát triển không gian đô thị theo hướng bền vững để xứng tầm là đô thị hạt nhân vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh…

Phấn khởi trong ngày ra mắt thành phố Gò Công, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, ấp Xóm Dinh, xã Long Thuận, thị xã Gò Công chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng, Thị xã Gò Công bao nhiêu năm xây dựng và phát triển cũng đã được lên thành phố. Tới đây, các cấp chính quyền sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng góp phần hoàn thiện hơn hệ thống điện, đường, trường, trạm. Thành phố Gò Công rồi sẽ văn minh, hiện đại, người dân có điều kiện hưởng thụ cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn”.