Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh miền núi Cao Bằng đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tại Cao Bằng có 17 xã cán đích nông thôn mới; người dân tích cực hiến đất, đóng góp ngày công xây dựng nhiều công trình hạ tầng.
0:00 / 0:00
0:00
Tuyến đường liên xóm nơi “đỉnh núi, lưng trời” ở xóm Lũng Quang - Bản Riềm, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).
Tuyến đường liên xóm nơi “đỉnh núi, lưng trời” ở xóm Lũng Quang - Bản Riềm, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa bàn rộng, nhu cầu đầu tư hạ tầng lớn và năng lực đóng góp của người dân hạn chế, địa phương đang gặp khó trong hoàn thành mục tiêu số xã, số huyện về đích nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Còn nhiều khó khăn

Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng nêu rõ, “bức tranh” xây dựng nông thôn mới tại địa phương có nhiều điểm sáng khi đã đạt được sự đồng thuận, tích cực tham gia của người dân. Từ năm 2021 đến nay, người dân đã hiến hơn 220 nghìn m2 đất và khoảng 100 nghìn ngày công lao động xây dựng các công trình, trong đó, phần lớn là đóng góp làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, tỉnh Cao Bằng có 17 xã, 25 xóm đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt 10,13 tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo khu vực nông thôn được đổi mới theo hướng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Cao Bằng có 50 xã và 30% số xóm đạt chuẩn nông thôn mới thì chặng đường phấn đấu và khối lượng công việc cần thực hiện trong hai năm 2024 và 2025 còn rất lớn. Đến nay, tỉnh Cao Bằng còn hai huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; còn năm huyện chưa có xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2023, tỉnh Cao Bằng không có thêm xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện Bảo Lâm là địa phương chưa có xã, chưa có xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Chia sẻ về khó khăn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đồng chí Mã Gia Hãnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm cho biết: Mặc dù cả hệ thống chính trị và nhân dân đã tích cực, chủ động xây dựng nông thôn mới, nhưng do địa bàn rộng, địa hình có độ dốc cao, xuất phát điểm thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đạt như kỳ vọng. Đến nay, huyện Bảo Lâm mới có một xã đạt chín tiêu chí; 12 xã đạt từ sáu đến tám tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 6,75 tiêu chí. Đến nay, huyện đang tích cực, đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, nhưng vẫn đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí hạ tầng cơ sở, thu nhập và hộ nghèo.

Huyện Nguyên Bình cũng là địa phương chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, xã Tam Kim, xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện cũng gặp một số khó khăn. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Kim Nông Thị Hiệp chia sẻ, hai tiêu chí thu nhập bình quân và hộ nghèo khó hoàn thành do địa bàn nằm xa các trung tâm lớn, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi còn hạn hẹp nên chưa kích thích được phát triển mạnh sản xuất.

Quyết liệt, tích cực và đồng bộ

Trước tình hình kết quả công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt thấp so với mục tiêu giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đang quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương nâng cao trách nhiệm và hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Chỉ rõ những mục tiêu đang chậm tiến độ và “khó”, đến năm 2025, có hai huyện hoàn thành nông thôn mới; có ít nhất thêm 37 xã “cán” đích; không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí; có 30% số xóm hoàn thành nông thôn mới...

Đồng chí Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường sâu sát cơ sở, đổi mới, sáng tạo xây dựng và phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất ở cơ sở, tìm đầu ra cho các sản phẩm của nông dân. Các cấp, ngành, địa phương huy động, lồng ghép các nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia, kết hợp nguồn xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Tại huyện Bảo Lạc, thu nhập của người dân thấp và cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế là những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Trong huyện còn khá nhiều xóm bốn thiếu, chưa có đường ô-tô đến xóm, chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại và thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc chia sẻ, huyện Bảo Lạc đã tăng cường xã hội hóa, huy động sự ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đoàn từ thiện, ủng hộ hỗ trợ người dân bê-tông hóa đường liên xóm, xây dựng bể nước sinh hoạt và xây dựng, kiên cố hóa trường, lớp học. Qua đó, hạ tầng dần được củng cố, và huyện từng bước hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn khó khăn.