Khi trạm xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp (KCN Nam Cấm) với kinh phí đầu tư gần 70 tỷ đồng có công suất xử lý 2.500m3/ ngày đêm đi vào hoạt động lại không phát huy được tối đa công suất. Nguyên do bởi trong số 38 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động tại KCN mới chỉ có 18 đơn vị đồng ý đấu nối xả thải về trạm. Theo Trưởng trạm xử lý nước thải tập trung KCN Nam Cấm Nguyễn Thế Tuân: Trạm chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ theo hợp đồng. Còn làm thế nào để bắt buộc doanh nghiệp đấu nối về công tác xử lý nước thải thì không phải thuộc thẩm quyền của trạm mà thuộc các cơ quan chức năng khác.
Tình trạng này cũng diễn ra ở trạm xử lý nước thải tập trung của KCN Bắc Vinh. Do sức ép phải xử lý nguồn xả thải ô nhiễm của khu công nghiệp, trạm xử lý nước thải KCN Bắc Vinh được xây dựng từ năm 2013 nhưng đến cuối tháng 4 năm 2016 trạm xử lý bằng công nghệ sinh học mới đi vào vận hành. Trạm có công suất thiết kế 250m3 nhưng hiện nay chỉ xử lý 90m3 một ngày đêm. Và trong tổng số 19 doanh nghiệp đã hoạt động tại KCN thì mới chỉ có 10 doanh nghiệp đấu nối.
![]() |
Trạm xử lý nước thải tập trung ở khu công nghiệp Nam Cấm.
Ông Văn Đức Long, cán bộ vận hành trạm xử lý nước thải KCN Bắc Vinh cho biết: Đồng hành với đấu nối, trạm đã gửi văn bản phương án thỏa thuận giá xử lý nước thải ở đây. Sau khi gửi văn bản đến nay trạm chỉ mới nhận được 5/19 doanh nghiệp đồng ý. Các doanh nghiệp còn lại chúng tôi đang tiếp tục thuyết phục. Không có chế tài ràng buộc, mối quan hệ giữa các trạm xử nước thải tập trung với doanh nghiệp hoạt động trong KCN chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ, do vậy, đã là dịch vụ thì doanh nghiệp cần thì dùng không thể bắt buộc được.
Bản thân Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam, đơn vị quản lý hầu hết các KCN trên địa bàn tỉnh, dù biết doanh nghiệp gây ô nhiễm nhưng để xử lý được là rất khó, hoặc bắt buộc doanh nghiệp gom nguồn xả thải về trạm xử lý cũng gặp khó khăn không kém.
Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình khu kinh tế Đông Nam Phan Nguyễn Quốc Khánh cho rằng: Về phía ban không có bộ phận thanh tra xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm. Còn nếu kiểm tra phát hiện ra thì ban cũng chỉ kịp thời báo lên cơ quan chức năng để xử lý.
Xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung nhưng nhiều doanh nghiệp không mặn mà sử dụng, nguồn thu dịch vụ không đủ trang trải cho hoạt động, ngân sách phải cấp bù kinh phí là những bất cập nhưng chưa hết.
Theo Nghị định 80 của Chính phủ, các trạm xử lý nước thải tập trung của các KCN phải đầu tư hệ thống quan trắc tự động đồng thời kết nối kết quả quan trắc online với các đơn vị kiểm soát nhưng việc này cũng chưa thực hiện được. Hiện nay, trạm ở tại Nam Cấm có hệ thống quan trắc tự động, quy định nhà nước là vậy nhưng việc quan trắc online đang gặp khó vì liên quan đến kinh phí do nguồn vốn chưa được đầu tư.
Trưởng trạm xử lý nước thải tập trung KCN Nam Cấm Nguyễn Thế Tuân cho biết thêm.Trước thực trạng trên, chúng ta cần nhận thức rõ rằng, các trạm xử lý nước thải tập trung tại các KCN không thể là hạng mục chỉ để cho có mà phải được phát huy tối đa chức năng. Phải có cơ chế ràng buộc được các doanh nghiệp có trách nhiệm trong vấn đề này để giữ gìn môi trường lành mạnh.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường Hồ Sỹ Dũng nhấn mạnh: Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trên địa bàn Nghệ An nhìn chung có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng vẫn còn hạn chế, phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường bền vững đang là vấn đề đặt ra. Nguyên nhân của tình trạng trên, trước hết là do ý thức của chủ doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, ứng dụng công nghệ, chưa bố trí cán bộ có chuyên môn để vận hành các công trình xử lý môi trường do đó chất thải sau xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng đó, cấp chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Rồi hiệu quả chưa cao trong công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng...
Để siết chặt quản lý việc xả thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các KCN cần thực hiện một số giải pháp: Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam yêu cầu các chủ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc tự động cho nhà máy xử lý nước thải tập trung đối với các KCN chưa được lắp đặt. Xây dựng hạ tầng công kỹ thuật để kết nối với mạng lưới quan trắc môi trường tự động của các cơ sở và hệ thống xử lý nước thải của khu công nghiệp. Xây dựng một số trạm quan trắc môi trường tự động tại các khu vực quan trọng, nhạy cảm. Tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung đặc biệt là việc xả thải...