Khó khăn trong hỗ trợ vay vốn xóa nhà tạm ở Hà Giang

Ngày 10-8-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg (Quyết định số 33) về “Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay tu sửa, làm nhà ở đối với hộ nghèo”, với mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng hộ nghèo phải ở nhà tạm, nhà xuống cấp. Tỉnh Hà Giang, một trong những địa phương còn nhiều hộ nghèo lại gặp không ít khó khăn, vướng mắc khi triển khai chính sách nêu trên.

Nhiều hộ dân ở thôn Đội 5, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có nhu cầu vay vốn để tu sửa, xây dựng nhà ở.
Nhiều hộ dân ở thôn Đội 5, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có nhu cầu vay vốn để tu sửa, xây dựng nhà ở.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hàng chục nghìn hộ nghèo ở tỉnh Hà Giang đã được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà xuống cấp. Chỉ tính riêng chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong giai đoạn 2009 - 2012, tỉnh có hơn 16.000 hộ được xóa nhà tạm. Tuy nhiên, do điều kiện tỉnh vùng cao, số hộ nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở vẫn còn nhiều và phát sinh hằng năm, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, khi Quyết định số 33 về “Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay tu sửa, làm nhà ở đối với hộ nghèo” được triển khai sẽ tạo điều kiện cho các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để làm nhà mới, ổn định cuộc sống lâu dài, cơ hội cho tỉnh nghèo xóa nhà tạm. Theo quyết định, hộ nghèo được vay tối đa 25 triệu đồng/hộ từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở. Lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay là 15 năm, trong đó thời gian ân hạn là 5 năm, thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay.

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang Hoàng A Chinh cho biết, ngay sau khi quyết định được ban hành, sở đã tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, phổ biến, triển khai chính sách đến các huyện để thông báo cho nhân dân. Đồng thời tiến hành rà soát, lập danh sách hộ nghèo cần vay vốn làm nhà mới theo kết quả bình bầu từ thôn nhằm bảo đảm tính công bằng, dân chủ, đúng đối tượng. Kết quả rà soát, lập danh sách thời điểm năm 2015, tỉnh có khoảng 3.600 hộ nghèo đang phải ở nhà tạm, nhà xuống cấp có nhu cầu vay vốn làm nhà mới.

Gia đình anh Vương Quốc Hòa, ở thôn Đồng, xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên là một trong những hộ đầu tiên được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Tháng 6-2016, anh Hòa được vay 25 triệu đồng theo Quyết định số 33 để làm nhà, cùng với sự hỗ trợ của người thân, anh đã làm được nhà sàn đổ khung cứng, rộng 90 m2.

“Gia đình làm ngôi nhà mới với chi phí gần 100 triệu đồng, số tiền được vay từ chính sách của Nhà nước dù chưa được nửa tổng số tiền làm nhà, nhưng đó là động lực để gia đình tôi quyết định làm nhà mới. Từ nay gia đình tôi không còn nơm nớp mỗi khi trời mưa, gió như trước nữa”, anh Vương Quốc Hòa tâm sự.

Tuy nhiên, số hộ nghèo được vay vốn làm nhà như anh Hòa còn thấp so thực tế. Theo thống kê từ Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, tính đến tháng 2-2017, tỉnh mới có 191 hộ nghèo vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất tu sửa, làm nhà mới. Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang Hoàng A Chinh cho biết, do đối tượng được hỗ trợ là hộ nghèo cho nên nguồn vốn tự có của các gia đình không có nhiều, vốn vay ưu đãi theo Quyết định số 33 tối đa chỉ được 25 triệu đồng. Trong khi đó để làm được ngôi nhà kiên cố cũng cần chi phí từ 50 triệu đồng trở lên, do đó nhiều hộ không vay vì có vay cũng không đủ tiền làm nhà. Bên cạnh đó, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước còn lớn, tâm lý sợ không trả được gốc và lãi khiến nhiều hộ không dám vay vốn làm nhà mới. Bên cạnh đó, phần lớn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đều đang có dư nợ tại ngân hàng cho nên việc làm thủ tục vay thêm là điều không dễ.

Theo kế hoạch, năm 2016, tỉnh Hà Giang giải ngân cho 10% trong tổng số 3.600 hộ nghèo có nhu cầu vay vốn làm nhà mới. Tuy nhiên, thực tế Chi nhánh NHCSXH Hà Giang chỉ được Trung ương giao năm tỷ đồng vốn cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Đến nay, giải ngân được 4,765 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch. Năm 2017, chi nhánh xây dựng kế hoạch 18 tỷ đồng vốn vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, nhưng đến nay vẫn chưa được phân bổ nguồn vốn này.

Ngoài những lý do khách quan, có nguyên nhân chủ quan. Ở một số xã vùng cao, sau khi hoàn thành chương trình xóa nhà tạm theo Quyết định 167 (giai đoạn 2009 - 2012), chính quyền từ xã đến thôn có tư tưởng “nhiệm vụ xóa nhà tạm đã hoàn thành” cho nên công tác tuyên truyền cho dân biết về chính sách hỗ trợ vốn vay mới triển khai thực hiện chưa nghiêm túc, nhiều hộ nghèo không biết đến nguồn vốn ưu đãi nêu trên để tiếp cận. Cùng với đó là việc huy động các nguồn lực xã hội để kết hợp với nguồn vốn vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà cũng rất hạn chế.

Ông Sùng Mí Thào, ở thôn Đội 5, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên cho biết: “Gia đình tôi có nhu cầu vay vốn lãi suất thấp để làm nhà mới, tuy nhiên tôi không được thông báo và hướng dẫn vay vốn theo Quyết định số 33. Nếu được vay 25 triệu đồng với lãi suất thấp, tôi sẽ mua vật liệu và nhờ anh em xây dựng nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống lâu dài”. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuất, Trưởng thôn Đội 5, xã Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên rất bất ngờ vì đây là lần đầu tiên ông nghe nói về chính sách hỗ trợ vốn vay về nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33. Ông Tuất cho biết: “Trong thôn có nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông di cư từ các huyện vùng cao về sinh sống, phần lớn trong số đó ở trong những ngôi nhà tạm bợ, vách được bưng bằng tre nứa, mùa đông lạnh buốt, mùa hè thì nóng bức. Nếu có chương trình hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho nhân dân thì rất tốt. Tới đây, tôi sẽ hỏi cán bộ xã về chương trình này, rồi sẽ hướng dẫn bà con làm thủ tục vay vốn làm nhà”.

Để có thêm nhiều hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi xóa nhà tạm, theo ý kiến của những hộ nghèo cần vay vốn và các cơ quan chức năng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về mức đầu tư, hỗ trợ đối với các tỉnh miền núi. Trong đó xem xét nâng mức cho vay vì mức vay tối đa hiện tại 25 triệu đồng/hộ là rất thấp. Bởi thực tế vùng cao, do hộ nghèo, khả năng tích lũy vốn và cải thiện thu nhập rất khó khăn, hơn nữa giá vật liệu xây dựng luôn biến động tăng theo từng năm. Một trong những thành công trong xóa nhà tạm theo Quyết định 167 là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, hộ nghèo không những được hỗ trợ tiền, được vay vốn mà còn được lồng ghép nhiều nguồn vốn, được cộng đồng góp công, góp sức để thực hiện. Do đó, trong việc triển khai xóa nhà tạm theo Quyết định số 33 cũng cần được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, lồng ghép với các chương trình, dự án; tuyên truyền, khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái”, huy động các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm, cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ bằng những việc làm thiết thực như hỗ trợ thêm tiền, ngày công lao động, nguyên vật liệu... Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn vốn cần được thực hiện sớm và đủ theo kế hoạch để Chi nhánh NHCSXH Hà Giang chủ động triển khai cho hộ nghèo vay vốn.