Khó khăn trong công tác kết nạp đảng viên ở nông thôn, miền núi

Những năm qua, mặc dù các cấp ủy đảng cơ sở ở Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng khu vực nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, có một thực tế, tỷ lệ đảng viên mới kết nạp ở khu vực này đang có chiều hướng giảm do khó khăn về tạo nguồn, dẫn đến đảng viên ở các chi bộ đang ngày một "già" đi.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Chi bộ Đồng Dân, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập gặp gỡ, trao đổi ý kiến với đảng viên trẻ.
Lãnh đạo Chi bộ Đồng Dân, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập gặp gỡ, trao đổi ý kiến với đảng viên trẻ.

Đã hơn hai nhiệm kỳ, Chi bộ Dâu 2, Đảng bộ xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập chưa kết nạp được thêm đảng viên mới, trong khi đảng viên trong chi bộ ngày một già đi.

"Tre già nhưng măng mọc chậm"

Chi bộ Dâu 2 hiện có 15 đồng chí, cơ bản là người cao tuổi. Mặc dù nhiều năm qua, chi bộ đã giao cho các đoàn thể ở khu tìm nguồn giới thiệu cho chi bộ nhưng vẫn chưa tìm được bởi người thì nêu lý do bận đi làm ăn xa, bận việc gia đình, người thì tư tưởng chưa thông, còn đắn đo xem vào Đảng có lợi gì không. Bí thư Chi bộ Dâu 2 Nguyễn Văn Nên cho biết, nhiệm kỳ nào cũng đưa ra chỉ tiêu để phát triển đảng viên mới, nhưng vì những lý do khách quan mà hai nhiệm kỳ gần đây, chỉ tiêu này không đạt bởi thiếu nguồn để bồi dưỡng, kết nạp.

Cũng như Chi bộ Dâu 2, từ năm 2018 đến nay, Chi bộ 6, Đảng bộ xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy chỉ kết nạp được hai đảng viên. Nghị quyết của chi bộ trong nhiệm kỳ này kết nạp từ hai đến ba đảng viên nhưng đến nay vẫn chưa kết nạp được đảng viên nào. Bí thư Chi bộ 6 Đỗ Thanh Phương chia sẻ, nhiều thanh niên trong khu chọn cách "ly hương" dẫn tới việc tạo nguồn gặp khó khăn. Mặc dù, đã xuất hiện một số quần chúng ưu tú, có thể xem xét kết nạp Đảng nhưng khi nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng thì những quần chúng này lại do dự...

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Thủy Đặng Văn Huệ cho biết, thực trạng chung của các chi bộ khu vực nông thôn, miền núi hiện nay là không có nguồn để kết nạp. Nhiều năm nay, nguồn phát triển đảng viên trẻ ở các xã vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp. Thực tế, số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, giúp đỡ phấn đấu vào Đảng không nhiều, bởi do một số sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông lại tiếp tục phấn đấu vào học các trường đại học cao đẳng, đi học nghề hoặc đi làm xa.

Trong khi, các đối tượng là trưởng các tổ chức đoàn thể ở thôn cũng rất khó khăn bởi quần chúng tích cực muốn được phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì thiếu tiêu chí về trình độ văn hóa hoặc vi phạm chính sách dân số… cho nên rất khó trong công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn, miền núi dẫn đến việc "tre già nhưng măng mọc chậm".

Gỡ "nút thắt" để tạo nguồn

Bí thư Huyện ủy Yên Lập Trần Việt Hùng cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy giao chỉ tiêu tạo nguồn, yêu cầu các cơ sở đảng thường xuyên rà soát, nắm chắc nguồn quần chúng ưu tú, phát hiện những nhân tố điển hình tiêu biểu giới thiệu kết nạp vào Đảng. Đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác tạo nguồn, lấy kết quả kết nạp đảng viên mới hằng năm làm tiêu chí đánh giá, xếp loại cuối năm; nhắc nhở, phê bình các cấp ủy, tổ chức, người đứng đầu nếu kết quả kết nạp đảng đạt thấp.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Đình Thi cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động quan trọng với nhiều giải pháp nhằm gỡ "nút thắt" để tạo nguồn phát triển đảng viên.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy trực thuộc đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên, tạo môi trường thuận lợi để bồi dưỡng, rèn luyện, giới thiệu cho chi bộ xem xét, kết nạp vào Đảng; chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho quần chúng về ý nghĩa, tiêu chuẩn, điều kiện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Tỉnh ủy yêu cầu các cấp chủ động rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng là quần chúng ưu tú để có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp theo phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên"; đồng thời tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn, tổ chức công đoàn và các tổ chức chính trị, xã hội khác.

Cùng với đó, các cấp ủy đã gắn kết quả kết nạp đảng viên làm tiêu chí để đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm; coi trọng việc sơ kết rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, yếu kém; quan tâm nguồn kết nạp đảng là công dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công chức, viên chức, học sinh, đoàn viên, hội viên, nhất là công nhân, lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Hy vọng với những giải pháp đồng bộ, linh hoạt này, việc tạo cơ hội giúp "măng" mọc trước khi "tre" già ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.