Khí thế lao động đầu xuân trên công trường Nhà máy đạm Cà Mau

Chúng tôi trở lại công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau chiều 30 Tết. Trên con đường đẹp, láng nhựa hơn 16 km từ TP Cà Mau về Khu công nghiệp khí-điện-đạm từng đoàn xe máy, ô-tô... tất bật, ngược xuôi. Chỉ còn vài giờ nữa là đến thời khắc đón giao thừa Tết Canh Dần, thế nhưng, những người thợ vẫn đang miệt mài làm việc trên công trường, chạy đua với thời gian, tất cả cho mục tiêu khắc phục sự chậm trễ, tập trung nhân lực, phương tiện cơ giới thi công, phấn đấu rút ngắn việc hoàn thành xử lý thử tải và tiến tới đóng hàng chục nghìn cây cọc bê-tông cốt thép đại trà cho toàn bộ mặt bằng Nhà máy đạm. Dù bận rộn là vậy, nhưng bữa cơm tất niên và chuẩn bị đón giao thừa ngay trên công trường của cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn được tổ chức khá tươm tất, đậm hương vị ngày Tết, nồng ấm và nghĩa tình. Kỹ sư trưởng xây dựng công trường Nhà máy đạm, cho biết: Việc xử lý gia cố, thử tải, đóng cọc... là một trong những gói thầu quan trọng nhất của nhà máy. Tuy nhiên, ở gói thầu này đã chậm tiến độ khoảng 90 ngày, do từ khâu thiết kế đến triển khai thi công mất nhiều thời gian. Vì vậy, chúng tôi phải trụ lại và tiếp tục công việc của mình trên công trường ngay cả sáng mùng 1 Tết. Chúng tôi coi việc rút ngắn, hoàn thành công trình đúng theo tiến độ là trách nhiệm và nghĩa vụ của chính mình.

Theo Trưởng ban Quản lý Dự án khí-điện-đạm Cà Mau Lê Mạnh Hùng, đến đầu tháng 1-2010, Tổng thầu đã thực hiện được gần 33% khối lượng công việc, chậm ba tháng so với tiến độ đã phê duyệt. Khắc phục sự chậm trễ này, chủ đầu tư và Tổng thầu đã đề ra kế hoạch và các giải pháp cụ thể, tập trung nhân lực, phương tiện kỹ thuật, cơ giới, đẩy nhanh tiến độ thi công, nên đến thời điểm hiện nay đã đuổi kịp tiến độ ở gói thầu gia cố, xử lý mặt bằng Nhà máy đạm. Hiện nay, việc bơm hút chân không đã cơ bản hoàn tất và tiếp tục bơm cát bù lún sụt; đồng thời tiếp tục thử tải tại nhiều khu vực mặt bằng Nhà máy đạm. Theo cam kết của nhà thầu, từ nay đến cuối tháng 3-2010, sẽ hoàn thành việc thử tải và ngay sau đó sẽ đồng loạt đóng đại trà hàng chục nghìn cọc bê-tông cốt thép, với độ sâu 37 m cho toàn bộ mặt bằng nhà máy. Vượt lên nhiều khó khăn trong công tác thi công tại vùng đất U Minh hạ sình lầy, xa xôi, tất cả những người thợ đều quyết tâm cao, phấn đấu quyết liệt vì mục tiêu lớn là hoàn thành toàn bộ công trình Nhà máy đạm đúng tiến độ với chất lượng cao nhất vào cuối tháng 1-2012.

Nhà máy phân đạm Cà Mau được khởi công xây dựng vào tháng 7-2008, với vốn đầu tư hơn 900 triệu USD, năng lực sản xuất, cung cấp cho thị trường trong nước 800 nghìn tấn/năm phân đạm u-rê ở dạng viên. Với diện tích 52 ha, Nhà máy đạm nằm bên cạnh Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2; được trang bị công nghệ tiên tiến, hiện đại sản xuất a-mô-ni-ắc; công nghệ sản xuất u-rê của các nhà chế tạo thiết bị nổi tiếng trên thế giới là Ðan Mạch, I-ta-li-a, Nhật Bản... Nguồn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy đạm Cà Mau là khí thiên nhiên khai thác ở các mỏ thuộc khu vực khai thác chung Việt Nam - Ma-lai-xi-a từ hệ thống đường ống chuyển tải dẫn khí có chiều dài 325 km về Khu công nghiệp Cà Mau. Theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, nhà thầu cam kết hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng tốt nhất, đưa vào hoạt động vận hành sản xuất cuối tháng 1-2012.

Đóng cọc bê-tông cốt thép cho mặt bằng Nhà máy Đạm.

Kỹ sư Võ Kế Văn, phụ trách xây dựng, giám sát công trình Nhà máy đạm, bộc bạch: Tạm gác lại nỗi nhớ nhà, không về quê cùng gia đình vui Xuân đón Tết, hàng trăm cán bộ, chuyên gia, kỹ sư và công nhân của các nhà thầu, đơn vị thi công, tình nguyện ở lại công trường làm việc, phấn đấu hoàn thành công trình theo đúng tiến độ. Họ là những người thợ ở khắp mọi miền của đất nước, đã từng lao động, hoàn thành nhiều công trình lớn trên cả nước, nay lại có mặt ở vùng đất U Minh hạ xa xôi và dồn sức lao động khẩn trương vì công trình trọng điểm của đất nước. Trong những ngày này, cùng với phương tiện cơ giới, xe chuyên dùng, những chiếc cần cẩu siêu trường, siêu trọng, cán bộ, chuyên gia, kỹ sư và công nhân ở đây thay nhau làm việc ngày đêm trên công trường. Kỹ sư Trịnh Hữu Cần, quê ở Nam Ðịnh cho biết, công việc của tổ giám sát năm người là phải thường xuyên có mặt trên công trình để kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn lao động và chất lượng trong lúc thi công. Ở lại công trường, những người thợ trẻ ở đây tổ chức vui Xuân đón Tết vẫn đủ hương vị bánh chưng, bánh tét và cả hoa đào từ bắc mang vào..., phần nào giúp vợi đi nỗi nhớ nhà và mang lại nồng ấm, sâu nặng nghĩa tình của những người thợ xa quê.

Nhân dịp về thăm Khu công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau vào cuối năm 2009, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh: Cùng với Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 có công suất 1.500 MW đã vận hành an toàn, sản xuất hơn 10 tỷ kW giờ điện trong thời gian qua, Nhà máy đạm Cà Mau khi hoàn thành, đưa vào sản xuất và cùng với Nhà máy đạm Phú Mỹ và các nhà máy đạm khác, Việt Nam sẽ tự chủ trong cung cấp phân đạm cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bình ổn giá phân bón trong nước, bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia. Ðây là công trình có hiệu quả lớn về kinh tế-xã hội và sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Ðảng và Nhà nước, không chỉ riêng đối với Cà Mau, mà còn cho cả các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

NGỌC QUÂN