Trong năm vừa qua, hàng loạt kênh vlog ẩm thực do người Việt thực hiện đã thu hút lượng lớn người xem. Hầu hết các kênh đều lấy bối cảnh làng quê, từ vùng núi Tây Bắc như Hoa Ban Food, Nhịp sống Tây Bắc; cho đến đồng bằng Bắc Bộ như Ẩm thực mẹ làm, Hương vị quê hương; miền Tây Nam Bộ như Sang Vlog, Khói lam chiều, Cô Ba miền Tây… Bỏ qua những chiêu trò như “siêu to, khổng lồ” hay “ăn tươi nuốt sống” đã bị lên án, những người làm vlog này tập trung khai thác hình ảnh vùng quê thanh bình và những món ăn dân dã, được chế biến từ nguyên liệu tự nhiên lấy từ ruộng vườn, sông nước của địa phương. Những thước phim nhẹ nhàng, bình dị, có thể giúp người xem thư giãn sau những mệt mỏi, lo toan cuộc sống. Ðồng thời, các món ăn đậm chất truyền thống cũng gợi nhớ những kỷ niệm của thời thơ ấu bên gia đình, làng xóm. Ðối với người nước ngoài, các công thức món ăn Việt Nam đa dạng và độc đáo cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp khiến họ trầm trồ, thích thú.
Trong khi một số “hiện tượng mạng” nhanh chóng nổi lên nhờ khai thác xì-căng-đan và nhanh chóng thoái trào rồi biến mất, thì các kênh vlog kể trên vẫn giữ được lượng khán giả ổn định, tăng đều đặn lượng “view” và “sub” (đăng ký theo dõi). Ðồng Văn Hùng (24 tuổi), người sáng lập kênh Ẩm thực mẹ làm đã chia sẻ: “Mục đích chúng tôi làm vlog là kể câu chuyện về cuộc sống nông thôn, về tình mẫu tử thông qua cách chế biến các món ăn đặc trưng Việt Nam”. Ðây cũng là một kênh vlog ẩm thực thôn quê tiêu biểu, được khán giả trong và ngoài nước yêu mến. Ẩm thực mẹ làm xuất hiện từ tháng 2-2019, khi Ðồng Văn Hùng nảy ra ý tưởng ghi hình làm kỷ niệm việc cơm nước, đồng áng thường ngày của mẹ là bà Dương Thị Cường. Giữa năm 2020, Ẩm thực mẹ làm được YouTube giới thiệu tới người xem khắp thế giới thông qua tài khoản Twitter chính thức. Ðây là lần đầu có một kênh sáng tạo nội dung của Việt Nam được mạng xã hội lưu trữ và chia sẻ vi-đê-ô phổ biến nhất thế giới tôn vinh, với ước tính khoảng 2 tỷ người dùng mỗi tháng. Rất nhiều khán giả từ mọi vùng miền của đất nước, cùng khán giả từ nhiều quốc gia đã bày tỏ ấn tượng trước vẻ đẹp quê hương của Ðồng Văn Hùng (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), khen ngợi các món ăn đơn giản mà hấp dẫn do người mẹ tự tay làm.
Cuối năm 2020, Ẩm thực mẹ làm tiếp tục được lựa chọn tham dự lễ hội trực tuyến YouTube Fanfest 2020, cùng 150 nhà sáng tạo và nghệ sĩ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Giữa các kênh YouTube ồn ào, thị phi, tìm mọi chiêu trò rẻ tiền, phản giáo dục để câu “view”, thì những hình ảnh bình yên, mộc mạc, đậm chất thơ nơi làng quê càng trở nên ý nghĩa và đáng quý. Không cần kịch bản, đạo cụ phức tạp hay góc quay cầu kỳ, Ẩm thực mẹ làm lay động trái tim khán giả bởi hình ảnh người mẹ nông dân chất phác, tần tảo chăm sóc cho bếp lửa ấm áp và nồng đượm, khu vườn xanh mát cỏ hoa. Những món ăn quen thuộc như nộm đu đủ, hoa chuối, rau lang xào tỏi, canh rau dền thịt băm, canh cá nấu khế chua, măng luộc chấm tương, cơm lam, kẹo lạc, bánh chưng, cốm rang hay dưa muối… được chế biến từ nguyên liệu thu hái quanh nhà sạch sẽ, ngon lành. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng chính sự gần gũi, chân chất đã lôi cuốn và mang đến cho người xem những cảm xúc tốt lành, như tình yêu thương cha mẹ, tự hào về bản sắc quê hương, tình làng nghĩa xóm...
Có thể nói đề tài ẩm thực không quá mới mẻ, nhưng rất phong phú, rộng lớn và có sức hấp dẫn lâu dài, bởi đó là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người, thay đổi theo từng vùng miền, gắn liền với những đặc trưng văn hóa của mỗi vùng đất qua thời gian. Thêm vào đó, hầu như ai cũng có thể tham gia làm vlog, từ thanh niên cho đến những người trung niên, cao tuổi sống ở nông thôn, miền núi. Nếu có đủ sự sáng tạo, nghiêm túc và đem lại giá trị tích cực cho cộng đồng, thì trào lưu làm vlog khai thác ẩm thực và văn hóa nông thôn còn nhiều cơ hội để phát triển. Chẳng hạn như góp phần vào quảng bá du lịch địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trên thế giới, một số kênh vlog ẩm thực nổi tiếng của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Ðộ… đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, đưa lên các trang bán hàng trực tuyến, thậm chí thu hút lượng khách du lịch không nhỏ tìm đến tận nơi để thưởng thức những món ngon họ đã xem trên mạng. Chuyên gia ẩm thực Võ Ðình Quốc, người từng được Hiệp hội Ðầu bếp thế giới (WACS) trao danh hiệu Ðại sứ văn hóa ẩm thực Việt Nam, nhận định: “Khi đa phần thông tin truyền tải qua mạng xã hội nhanh hơn và rộng hơn, việc người nông dân lên mạng để giới thiệu ẩm thực là tất yếu. Nếu các kênh vlog ẩm thực chất lượng tốt có thể liên kết lại, tạo nên food tour (tua du lịch ẩm thực), thì sự đa dạng và hấp dẫn của ẩm thực các vùng miền Việt Nam có cơ hội được biết đến nhiều hơn nữa”. Thiết nghĩ, những thành công ban đầu từ một số kênh vlog ẩm thực như Ẩm thực mẹ làm, Nhịp sống Tây Bắc, Cô Ba miền Tây cho thấy nếu những người muốn làm vlog một cách cẩn thận với sự tôn trọng văn hóa, người xem và sự chân thật trong phản ánh thực tế sẽ là gợi mở thú vị để những kênh vlog này tiếp tục thu hút đông người xem cũng như tác giả các kênh này nhận được sự ủng hộ, tôn vinh của cộng đồng mạng.