Thẻ bảo hiểm y tế mẫu cũ còn hạn vẫn được dùng để đi khám, chữa bệnh
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, từ ngày 1-4-2021, chính thức triển khai thẻ BHYT mẫu mới. Tuy nhiên, thẻ BHXH mẫu mới chỉ được cấp khi BHXH các tỉnh đã hết phôi thẻ BHYT cũ.
Đồng thời, trong giai đoạn chuyển đổi từ thẻ BHYT mẫu cũ sang mẫu mới, những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng, tiếp tục được dùng để đi khám, chữa bệnh BHYT và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT trên cơ sở dữ liệu quản lý, không thực hiện in, đổi thẻ BHYT.
Sau khi BHXH các tỉnh sử dụng hết phôi thẻ BHYT mẫu cũ, việc cấp thẻ BHYT mẫu mới sẽ áp dụng cho các trường hợp sau: Người mới tham gia BHYT, người tham gia bị mất thẻ BHYT, người tham gia bị rách, hỏng hoặc thay đổi thông tin trên thẻ BHYT.
Một điểm cần lưu ý là, trong giai đoạn chuyển đổi từ thẻ BHYT mẫu cũ sang mẫu mới, những người đang sử dụng thẻ BHYT mẫu cũ còn thời hạn sử dụng, tiếp tục được dùng để đi khám, chữa bệnh BHYT và gia hạn giá trị sử dụng thẻ BHYT trên cơ sở dữ liệu quản lý, không thực hiện in, đổi thẻ BHYT (trừ các trường hợp nêu trên).
Có thể làm hồ sơ cấp mới, cấp lại thẻ BHYT ở đâu?
Người dân có thể đến một số địa chỉ sau để nhận hồ sơ cấp mới/cấp lại thẻ BHYT.
Trước hết, tại cơ quan BHXH với những trường hợp sau: Người được tổ chức BHXH đóng BHYT; người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT; người tham gia BHYT theo hộ gia đình; người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đổi thẻ BHYT; người đã hiến bộ phận cơ thể.
Ngoài ra, cũng có thể đến đại lý thu BHXH, BHYT với những trường hợp sau: Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT; Người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Cùng với đó, tại UBND xã với người được ngân sách nhà nước đóng BHYT, người được tổ chức BHXH đóng BHYT.
Tại doanh nghiệp, người tham gia BHYT đóng tại doanh nghiệp, nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động.
Tại trường học, học sinh, sinh viên đóng BHYT theo nhà trường, nộp hồ sơ cho nhà trường.
Thủ tục, hồ sơ đăng ký khi đổi thẻ
Khi đổi thẻ, người dân cần thực hiện một số thủ tục sau.
Người tham gia kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).
Đối với người hiến bộ phận cơ thể, có thêm Giấy ra viện ghi rõ “đã hiến bộ phận cơ thể”.
Với trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn, bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có).
Tính đến hết năm 2020, số người tham gia BHYT khoảng 88 triệu người, chiếm 90,85% dân số. Với tỷ lệ bao phủ này, Việt Nam cơ bản hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn. So với các quốc gia phát triển trên thế giới, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân cần từ 40 đến 80 năm, trong khi chúng ta mất 17 năm.