Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: “Xây dựng thành phố Hà Giang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại hai”. Theo đó, Thành ủy Hà Giang ban hành nghị quyết chuyên đề, xác định yêu cầu quan trọng là đẩy mạnh xã hội hóa công tác chỉnh trang đô thị. Cấp ủy và chính quyền tập trung chỉ đạo triển khai lắp đặt camera an ninh ở 100% tổ dân phố ở các phường nội thị và 50% số thôn ở các xã; thực hiện cải tạo, lát gạch, đá vỉa hè ở 43 tuyến phố trong đô thị; đầu tư nâng cấp, cải tạo 106 km mặt đường giao thông các loại.
Ðể đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, lắp đặt hệ thống camera an ninh trên diện rộng trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, thành phố thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. UBND thành phố Hà Giang phân bổ vốn đầu tư để làm những hạng mục chính như: Trải áp-phan lòng đường, xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước, hỗ trợ xi-măng làm đường bê-tông.
Những hạng mục phụ như lát gạch vỉa hè, hiến đất, phá dỡ công trình ảnh hưởng đến hành lang vỉa hè, lắp camera an ninh sẽ vận động người dân đóng góp, ủng hộ. Tổng kinh phí triển khai thực hiện chỉnh trang đô thị là hơn 197 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đầu tư hơn 139 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa là hơn 57 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Giang Nguyễn Danh Hùng cho biết: “Thành phố đã triển khai kế hoạch xã hội hóa chỉnh trang đô thị bài bản, công khai, minh bạch, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện. Các phường, xã nhận kế hoạch rồi thông báo về các tổ dân phố, thôn bản để cơ sở họp bàn, thống nhất triển khai với phương châm lấy cán bộ, đảng viên là hạt nhân của phong trào. Cán bộ, đảng viên gương mẫu làm trước rồi vận động nhân dân làm theo”.
Tại tổ 13, phường Trần Phú, những tuyến đường ở các khu phố giờ đã khang trang, sạch đẹp hơn trước. Mặt đường trải áp-phan, cống rãnh được đầu tư đồng bộ, người dân trong tổ đã tự nguyện góp tiền lát gạch và tháo dỡ công trình ảnh hưởng đến vỉa hè. Bí thư Chi bộ tổ 13, bà Nguyễn Kim Lợi cho biết: “Ban đầu, một số hộ chưa đồng tình, lý giải việc lát gạch vỉa hè, phá dỡ công trình ảnh hưởng đến vỉa hè, lắp camera an ninh là trách nhiệm của Nhà nước.
Ban đầu là vậy nhưng khi được tuyên truyền, vận động, nhất là khi nhìn thấy cán bộ, đảng viên trong tổ gương mẫu, đi đầu làm trước thì người dân đã hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình rồi hưởng ứng, làm theo”. Ðến nay, tổ đã xã hội hóa chỉnh trang được ba tuyến đường, lắp đặt bốn mắt camera an ninh với tổng số tiền 200 triệu đồng, chưa kể kinh phí người dân tự tháo dỡ, tu sửa nhà cửa để mở rộng vỉa hè.
Còn ở tổ 8, phường Quang Trung, có hơn chục héc-ta đất trồng na trên lưng chừng núi đá. Trước kia, các hộ dân lên núi chăm sóc, thu hái na phải đi bằng đường mòn, mất cả tiếng đồng hồ. Mơ ước có tuyến đường lên núi chăm sóc, thu hái na của người dân trở thành hiện thực khi Chi bộ tổ 8 ban hành nghị quyết huy động sức dân mở đường lên núi.
Bí thư Chi bộ tổ 8, bà Phan Thị Hà cho biết: “Nắm được nguyện vọng của dân, Chi bộ xin ý kiến của phường rồi họp bàn, thống nhất ban hành nghị quyết làm đường bê-tông lên vùng trồng cây ăn quả với chiều dài gần một cây số, mặt đường rộng bốn mét theo phương châm Nhà nước hỗ trợ xi-măng, người dân góp tiền mua vật liệu, hiến đất mở rộng nền đường, góp công làm đường”.
Nghị quyết chi bộ trúng nguyện vọng của dân nên được 25 hộ có diện tích trồng na trên núi đá đồng tình ủng hộ. Mỗi hộ góp từ năm đến 10 triệu đồng mua vật liệu, hiến hàng trăm mét vuông đất, góp hàng nghìn công lao động để hoàn thành gần một cây số đường bê-tông lên vùng trồng na trên lưng chừng núi. Ðầu năm 2021, sau hai tháng thi công, tuyến đường hoàn thành trong niềm vui của nhân dân. Từ nay, người dân phóng xe máy lên tận vườn, không còn cảnh gùi na xuống núi mất cả tiếng đồng hồ vất vả như trước.
Tuyến phố Lê Ðức Thọ, thuộc tổ 8, phường Minh Khai có chiều dài hơn 50 m. Tuyến phố này không nằm trong chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, trước phong trào xã hội hóa chỉnh trang đô thị diễn ra sôi nổi, gần 20 hộ gia đình, chủ yếu là cán bộ, đảng viên sinh sống hai bên tuyến phố đã cùng với Chi bộ tổ 8 họp bàn, thống nhất tự bỏ tiền để chỉnh trang tuyến phố.
Ông Hoàng Ðăng Khôi, đảng viên, nhà ở tuyến phố Lê Ðức Thọ cho biết: “Ðược sự nhất trí của Chi bộ, các hộ gia đình hai bên tuyến phố Lê Ðức Thọ đã tự hạch toán, tự nguyện đóng góp kinh phí để trải áp-phan lòng đường, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước, làm vỉa hè, mắc điện chiếu sáng với tổng kinh phí hơn 120 triệu đồng”.
Ðến nay, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết số 02, thành phố Hà Giang đã xã hội hóa lắp đặt được gần 600 bộ camera an ninh; lát gạch vỉa hè được gần 18 nghìn mét vuông; thảm bê-tông nhựa được 17 tuyến đường; hoàn thành cải tạo, nâng cấp, mở rộng mặt đường bê-tông đã hư hỏng, làm mới 56 tuyến đường phố, ngõ xóm với chiều dài 12 km. Tổng kinh phí thực hiện hơn 84 tỷ đồng, trong đó có gần 30 tỷ đồng do người dân đóng góp.
Ðồng chí Nguyễn Thành Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Giang cho biết: “Qua nắm bắt, Nghị quyết của Ðảng bộ thành phố Hà Giang về xã hội hóa chỉnh trang đô thị đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân. Ðiểm mấu chốt để phong trào được người dân hưởng ứng là các cấp ủy đảng, chính quyền đã trực tiếp đối thoại với người dân, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xã hội hóa chỉnh trang đô thị. Bên cạnh đó, các chi bộ tổ khu phố, chi bộ thôn bản đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên”.