Vừa làm vừa mở rộng diện tích, đến nay cựu chiến binh Võ Hùng Chiến ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập đã sở hữu 94ha đất trồng các loại cây như bưởi, cao-su… tạo việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động hằng năm và khoảng 100 lao động thời vụ với thu nhập trên bảy triệu đồng/tháng.
Từ thành công về phát triển kinh tế, cựu chiến binh Võ Hùng Chiến dành nhiều kinh phí chăm lo công tác xã hội. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm ông đóng góp 100 triệu đồng cho Quỹ Đồng đội (Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước) để giúp vốn cho cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo. Cựu chiến binh Võ Hùng Chiến cũng tích cực tham gia phong trào như ủng hộ xây 10 căn nhà tình nghĩa, tình thương với trị giá gần một tỷ đồng, ủng hộ hội cựu chiến binh và quỹ đền ơn đáp nghĩa mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Ông Chiến tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đã hiến hơn 3,6ha đất làm đường liên xã; đóng góp hơn 107 triệu đồng làm cống qua đường dân sinh. Ông Chiến đã đầu tư 540 triệu đồng làm hệ thống điện mặt trời chiếu sáng đường dân sinh với chiều dài 2km. Cựu chiến binh Võ Hùng Chiến chia sẻ: “Chiến tranh kết thúc, tôi may mắn được trở về. Với suy nghĩ mình phải lao động thật nhiều, lao động cho các đồng đội đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc cho nên tôi quyết tâm lập nghiệp tại Bình Phước - mảnh đất phên dậu của Tổ quốc”.
Doanh nhân, cựu chiến binh Bùi Thị Hảo ở phường Phước Bình, thị xã Phước Long, từ năm 2010 cùng chồng và con trai mở rộng sản xuất, kinh doanh trong ngành điều. “Thời gian đầu khó khăn, vất vả nhưng lúc đó ít doanh nghiệp nên cạnh tranh không khốc liệt như bây giờ. Lúc bấy giờ tôi tâm niệm sản phẩm nào làm ra cũng phải đặt chất lượng lên trên hết.
Tôi từng tự mình lái xe tải đi các tỉnh miền tây để tuyển lao động hay bán từng ký hạt điều rang muối. Lâu dần chúng tôi xây dựng được thương hiệu, uy tín và có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước”, cựu chiến binh Bùi Thị Hảo cho biết. Sau 18 năm gắn bó với ngành điều, gia đình bà đã xây dựng được cơ ngơi khang trang với nhà xưởng rộng khoảng 11.000m2, hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến hạt hiện đại chuyên xuất khẩu với doanh thu mỗi năm hơn 50 tỷ đồng, đóng góp nguồn thu đáng kể cho địa phương và tạo sinh kế cho hàng trăm lao động trên địa bàn đơn vị hoạt động.
Tháng 6/2013, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước được thành lập trên cơ sở phát triển từ Câu lạc bộ Doanh nhân cựu chiến binh. Đến nay, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước có 175 hội viên, trong đó có 48 doanh nghiệp vừa và nhỏ; 13 hợp tác xã; 16 tổ hợp tác; 104 trang trại và gia trại; giải quyết việc làm cho hơn 5.400 lao động, trong đó có nhiều cựu chiến binh và con em của họ với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp thành viên phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, tích cực đóng góp cho kinh tế của Bình Phước.
Từ năm 2020-2022, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước ủng hộ hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo, phòng, chống dịch Covid-19 và nhiều quỹ khác với tổng gần 51,4 tỷ đồng. Riêng cựu chiến binh Nguyễn Thị Hồng Tươi, Giám đốc Công ty B58, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước đã ủng hộ 49,8 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Phước Huỳnh Văn Nước khẳng định: Những đóng góp của doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bình Phước đã góp phần giảm nghèo được 280 gia đình cựu chiến binh và 213 hộ thoát khỏi danh sách cận nghèo. Bên cạnh đó, nguồn đóng góp của các cựu chiến binh là doanh nhân đã xây mới 175 nhà nghĩa tình đồng đội, tổng trị giá gần 14 tỷ đồng; sửa chữa 70 căn nhà, trị giá 769 triệu đồng cho hội viên và người có công khó khăn về nhà ở.
Những năm qua, mỗi cựu chiến binh doanh nhân Bình Phước lựa chọn cho mình một lĩnh vực, ngành nghề khác nhau để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng tất cả đều có một điểm chung là quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách để làm giàu cho bản thân, gia đình và đóng góp cho địa phương. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, những đóng góp to lớn của Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh đã góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Tỉnh mong muốn hội tiếp tục hỗ trợ, gắn kết hội viên trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế và thực hiện công tác từ thiện xã hội; thành lập các câu lạc bộ cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh tại các huyện, thị xã, thành phố để góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương.