Khi chiếc radio từ hậu phương đưa tin...

NDO -

NDĐT - Làng Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tối 17-2 của bốn mươi năm trước đang bình yên bỗng nhiên chộn rộn khi bất chợt chiếc radio của gia đình tôi oang oang phát bản tin thông báo chiến tranh bắt đầu xảy ra ở biên cương phía bắc Tổ quốc.

Khi chiếc radio từ hậu phương đưa tin...

Cả làng Gia Bình chỉ gia đình tôi có chiếc radio cho nên hôm nào cũng vậy, sau một ngày lao động vất vả, bà con lại tập trung tại nhà tôi để cùng nghe những bản tin phát thanh. Ba tôi luôn mở đài để bà con đến nghe các câu chuyện cảnh giác, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thắt chặt hơn tình hàng xóm, láng giềng.

Tôi khi đó là đưa bé gần chín tuổi, cũng ngồi bệt giữa nền nhà đất cùng bà con nghe đài. Khi phát thanh viên của đài đang đọc đến nội dung hàng đoàn quân từ bên kia biên giới ào ào vào xâm lược Việt Nam, có lẽ đến thời điểm ấy người dân làng tôi mới biết được thông tin đầu tiên về cuộc chiến tranh đang diễn ra trên biên cương phía bắc. Bản tin này tác động mạnh đến giác quan và ám ảnh đến tận bây giờ.

Trong ngôi nhà đông đúc của gia đình tôi hôm đó có những người đồng chí của ba, là bác Nguyễn Văn Lam, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Gio An, bác Trần Văn Du, Bí thư Đảng ủy xã Gio An, còn ba tôi là cựu tù chính trị của chế độ miền nam cũ vì tham gia hoạt động cách mạng từ năm mười sáu tuổi. Trước đó, các ông vẫn nghe ngóng tình hình ở biên giới phía bắc qua Báo Nhân Dân nhưng không nghĩ rằng cuộc chiến tranh xảy ra nhanh đến thế. Tôi vẫn nhớ các ông lặng người, hai môi mím chặt, không nói lên được lời nào, vì hơn ai hết các ông và ba tôi, những người vừa đi qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1945-1975) hiểu rằng, cả dân tộc lại chuẩn bị đứng lên bảo vệ đất nước này.

Sáng hôm sau, cả làng, cả xã Gio An quê tôi bừng bừng một khí thế vệ quốc. Tiếng trống nổi lên giục giã, tiếng kẻng vang lên, người dân đoàn kết bắt tay nhau thêm một lần đứng lên. Người đi chặt tre, vót chông, người đi nhặt sắt để hàn chông, bọn nhỏ chúng tôi tham gia đi kiếm sắt phế liệu về giúp chú Nguyễn Văn Trung hàn chông sắt. Lò rèn của chú chạy hết công suất suốt ngày, người dân cùng chú Trung đốt than đá, thổi lò đỏ rực, đun các mảnh sắt đến khi cháy đỏ rồi đưa ra dúi vào cái máng bom bi đầy nước làm nguội, rồi quay đai búa để dập sắt thành từng miếng nhỏ, chú Trung khéo tay tiếp tục đưa sắt vào lò đun lên để dàn thành từng chông sắt nhỏ bằng chiếc đũa ăn, có chiều cao 20 cm, nhọn hoắt… Ngoài chông tre, mỗi người dân được chia năm cái chông sắt như thế làm vũ khí.

Khi chiếc radio từ hậu phương đưa tin... ảnh 1

Chú Trung, người sản xuất chông sắt cho xã Gio An.

Xã Gio An nằm ngay trên hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra, nơi đây là một trong những chiến trường ác liệt cỡ bậc nhất Quảng Trị trong những năm 1954-1975. Từ năm 1964, xã Gio An giành được chính quyền, trở thành xã đầu tiên của miền nam được giải phóng; điểm nhấn này đã khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Huy Thục sáng tác bài hát bất hủ “Tiếng đàn Ta-lư” với những ca từ dâng trào cảm xúc: “Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới/ Núi rừng ta ơi, hãy thắm xanh, vui cùng bản làng, mừng thắng trận Gio An”… mãi mãi đi vào lòng người.

Già, trẻ, gái, trai làng tôi, những người ở lại hậu phương ngày ngày cùng nhau vót chông, tối lại tập trung về nhà tôi tiếp tục nghe tin từ chiếc radio phát những thông tin chiến công của quân dân ta và nghe ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Bài hát mang âm hưởng hào hùng với lời ca sục sôi ý chí và niềm tự hào dân tộc: “Tiếng súng nổ vang trên bầu trời biên giới, lửa đã cháy, máu đã đổ trên khắp dải biên cương… Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa... đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca…”. Ngày 9-3-1979, bài hát được đăng trên Báo Nhân Dân để phổ biến rộng rãi đến quần chúng. Vài ngày sau tờ báo này được bác Bí thư Đảng ủy xã mang đến tặng ba tôi, bọn nhỏ chúng tôi tranh nhau cầm tờ báo học thuộc lòng từng ca từ của bài hát; và cho đến hôm nay lời bài hát đó vẫn lắng sâu vào máu thịt của từng người dân Quảng Trị.

Tuổi còn nhỏ nhưng chúng tôi hồi đó ngoài tham gia nhặt phế liệu về làm chông sắt thì còn cùng người lớn đào hầm cá nhân, giao thông hào chiến tranh trên khắp mặt đất, mỗi làng quê như một pháo đài vững chắc. Anh trai đầu của tôi đang trong “đội quân nhà Phật” làm nhiệm vụ quốc tế ở đất nước Campuchia cùng bao đồng đội khác nhận lệnh lên máy bay để trở về Hà Nội, hai hôm sau đã có mặt tại Lạng Sơn sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh có thể lan rộng. Anh trai thứ hai viết đơn xung phong vào bộ đội. Cả xã Gio An ngày ấy có gần 300 con em tham gia bảo vệ biên cương phía bắc. Thực tế cuộc chiến tranh ở biên giới không kết thúc trong tháng ba, mà còn kéo dài đến mười năm sau đó.

Chiếc radio mang thương hiệu National ngày ấy là kỷ vật thiêng liêng với gia đình, bà con; nó là quà của các đồng chí hoạt động bí mật ở thị xã Quảng Trị tặng ba mạ tôi, khi ông bà sinh ra tôi tròn một tháng. Những ngày hoạt động cách mạng ở thị xã Quảng Trị trước năm 1975, ba mạ tôi sử dụng chiếc radio này để bí mật nhận, nắm bắt kịp thời thông tin định hướng chỉ đạo. Sau ngày thống nhất đất nước, ba mạ tôi mang nó về quê để hằng đêm mở đài cho bà con nghe. Thế rồi, một ngày của năm 1986, chiếc đài ấy được làm vật thế chấp giúp gia đình có tiền mua thuốc cứu mạ tôi sau một cơn bạo bệnh.

Mùa Xuân này, nhà nhà ở quê tôi không những có radio mà còn sở hữu nhiều phương tiện nghe nhìn hiện đại khác, nhưng giờ chẳng ai quên thời khắc lịch sử hào hùng mà đầy bi thương ấy để luôn trân trọng những ngày hòa bình.

Khi hàng triệu người con đất Việt đang một lòng nhớ về cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía bắc với niềm xúc động sâu lắng thì những giai điệu sôi sục và tinh thần tự hào của dân tộc và ý chí quyết tâm chiến đấu, bảo vệ biên cương đất nước của ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tư do” lại vang lên với niềm xúc động lớn lao trong mỗi gia đình ở làng Gia Bình, xã Gio An.

Khi chiếc radio từ hậu phương đưa tin... ảnh 2