Khi bất đồng về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran còn rõ nét

Mỹ cho rằng Iran dường như đã thay đổi quan điểm liên quan việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân, trong khi Tehran cho biết điều được trông chờ từ Mỹ và các nước phương Tây là thiện chí, chứ không phải các lệnh cấm vận. Lời qua tiếng lại giữa các bên khiến nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tiếp tục trắc trở.
0:00 / 0:00
0:00
Lá cờ Iran trước trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna. Ảnh: Reuters
Lá cờ Iran trước trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna. Ảnh: Reuters

Trao đổi với báo giới ngày 13/10, người phát ngôn Nhà trắng John Kirby đưa ra tuyên bố khá bi quan về nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 với tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông Kirby khẳng định, Mỹ luôn mong muốn các bên có thể đạt đồng thuận để khôi phục thỏa thuận, song lại cho rằng điều này là “bất khả thi” trong tình hình hiện nay và tương lai gần.

Người phát ngôn Nhà trắng nhắc lại lập trường của Tổng thống Mỹ Joe Biden về mục tiêu bảo đảm Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân và các biện pháp ngoại giao vẫn mang lại hiệu quả cao nhất trong thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho rằng các cuộc đàm phán bị đình trệ lâu nay và không mang lại hiệu quả.

Ông Kirby còn cho biết, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với giới chức Iran, cũng như với những đối tượng được nước Cộng hòa Hồi giáo ủy quyền.

Phía Iran gần đây tích cực bày tỏ quan điểm không từ bỏ đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân. Hãng tin IRNA của Iran dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani cho biết, Iran tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận lâu dài và bền vững, bảo đảm các lợi ích cơ bản của đất nước.

Ông Kanaani khẳng định vẫn còn khả năng và cơ hội để khôi phục việc thực thi thỏa thuận hạt nhân, trong bối cảnh các nhà điều phối châu Âu và các nhà trung gian đang nỗ lực trao đổi thông tin, cụ thể là những thông điệp giữa Iran và Mỹ, để sớm đạt được một thỏa thuận. Theo ông Kanaani, nếu phía Mỹ thể hiện thiện chí chính trị, khả năng đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn là không loại trừ.

Khẳng định theo đuổi đàm phán, Tehran cũng phát đi thông điệp kiên quyết chống lại mọi nỗ lực nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với mục đích gây sức ép với Iran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cho hay, Mỹ và ba nước châu Âu tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015 (gồm Anh, Đức và Pháp) đã cố ý gắn đàm phán hạt nhân với các vụ bạo lực mới nhất ở Iran. Quan chức ngoại giao Iran khẳng định, Tehran không cho phép bất kỳ quốc gia nào can thiệp vào vấn đề nội bộ Iran.

Trong khi đó, truyền thông phương Tây dẫn báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, Iran dường như đang nhanh chóng mở rộng khả năng làm giàu urani bằng các máy ly tâm tiên tiến. Tầng thứ 3 của cụm máy ly tâm IR-6, được lắp đặt gần đây tại cơ sở Natanz, đã đi vào hoạt động. IR-6 tiên tiến hơn nhiều so với IR-1, thế hệ máy ly tâm duy nhất mà theo thỏa thuận Iran được sử dụng để phát triển trữ lượng urani đã được làm giàu.

Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohammad Eslami khẳng định, tất cả hoạt động hạt nhân của Iran được thực hiện dưới sự giám sát của IAEA và Tehran cũng thông báo cho IAEA về thời gian và cách thức triển khai các kế hoạch.

Cùng đề cao vai trò của các giải pháp ngoại giao trong nỗ lực đạt được thỏa thuận nhằm hồi sinh JCPOA, song các bên tham gia đàm phán vẫn phát đi những thông điệp cứng rắn. Triển vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn mơ hồ, khi bất đồng giữa các bên còn rõ nét, mà thiện chí lại mờ nhạt.