Trong ngôi nhà ba tầng khang trang ở thôn Miếu Bông, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Điểm đã 95 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng khi nhắc về thời thanh xuân tham gia dân công hỏa tuyến, ánh mắt bà linh hoạt hẳn lên. Bà Điểm hào hứng kể: Hồi đó bà mới ngoài 20 tuổi, được huy động đi dân công, gánh gạo lên chiến khu, đưa vũ khí từ chiến khu về đồng bằng để bộ đội tổ chức các trận đánh lớn vào đồn Nhất, đồn Hải Vân… chia lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ. Sau ngày miền nam giải phóng, bà về quê Đại Lộc sinh sống rồi chuyển ra Đà Nẵng cũng gần 30 năm. Ngày trước, vùng này nghèo lắm, cho dù chỉ cách trung tâm Đà Nẵng hơn 10 km. Nay, nói là nông thôn, nhưng có đường nhựa, có tên đường, có số nhà, chả khác gì thành phố.
Trong chuyến thăm và làm việc của Đoàn Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) mới đây, Ngài Đại sứ Julien Guerrier, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhận định: Với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc, chỉ hơn 20 năm, từ một đô thị nhỏ bé, Đà Nẵng phát triển nhanh chóng, trở thành hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung Việt Nam. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, với nhiều hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế quan trọng; nhất là hai lần tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC vào năm 2006 và 2017, đã góp phần xây dựng thương hiệu cho Đà Nẵng, mở ra cơ hội, thuận lợi cho thành phố về quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư và phát triển. Cũng nhờ đó, Đà Nẵng thật sự trở thành đô thị hạt nhân ở khu vực miền trung.
Đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định: Để tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững, trong hơn 20 năm qua, Trung ương Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách dành riêng cho Đà Nẵng, trong đó nổi bật là Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây là Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa XIII) của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; trong đó, thành phố Đà Nẵng được xác định có vai trò phát triển trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực của vùng, đặc biệt là trở thành trung tâm tài chính quy mô cấp vùng. Phát huy những tiềm năng, lợi thế sẵn có và cơ chế, chính sách ưu tiên của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phát huy tinh thần cách mạng của vùng đất trung dũng kiên cường, đồng lòng vượt khó, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo.
Sau gần 25 năm chia tách, Đà Nẵng khởi đầu bứt phá bằng việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị; không gian đô thị không ngừng được mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao. Nhiều năm liên tục Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về các chỉ số phát triển kinh tế như GRDP, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index), năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.300 USD, đứng thứ 5 trong cả nước. Từ một đô thị nghèo nàn, lạc hậu, Đà Nẵng đã vươn lên mạnh mẽ, tạo kỳ tích về kinh tế-xã hội, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, là điểm tổ chức các sự kiện quốc tế hàng đầu mang dấu ấn riêng, sản phẩm riêng của Đà Nẵng như cầu Vàng, cầu Rồng, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng...
Đà Nẵng cũng không tránh khỏi những sai lầm, thất bại, nhiều khó khăn, thách thức, khi nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu vi phạm khuyết điểm, vào vòng lao lý… Nền kinh tế thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; việc thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch, phát triển thời gian qua đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt so với mục tiêu đặt ra. Vai trò động lực, liên kết khu vực và sức lan tỏa của Đà Nẵng vẫn còn yếu, chưa thật sự trở thành đầu tàu, thành động lực phát triển cho khu vực duyên hải miền trung-Tây Nguyên như Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị (khóa IX) đã đề ra.
Đúc rút nhiều bài học từ thực tế, Đảng bộ Đà Nẵng, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã kịp thời điều chỉnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; điều hành có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn, tạo đà cho thành phố phát triển đi lên. Thành phố đã triển khai hiệu quả thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW (khóa XII) và Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa XIII) của Bộ Chính trị một cách hiệu quả nhất. Thực tế cho thấy bài học “thế trận lòng dân” trong những ngày đầu thành lập Đảng bộ và trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, gần 50 năm xây dựng và phát triển, nhất là trong giai đoạn từ 1997 tới nay, vẫn còn nguyên giá trị đối với Đà Nẵng. Phát biểu trong buổi làm việc mới đây tại Đà Nẵng, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: Thành công lớn nhất của Đà Nẵng trong giai đoạn vừa qua chính là xây dựng được sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và nhân dân; sự ủng hộ của nhân dân là tiền đề vững chắc cho mọi thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển của thành phố Đà Nẵng hàng chục năm qua.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh trong bài phát biểu tại lễ công bố Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được tổ chức cuối năm 2023 vừa qua: Những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đà Nẵng đã đạt được trong suốt chặng đường qua với sự đồng lòng, đồng thuận cao của nhân dân là hết sức quan trọng, là nền tảng để thành phố chuyển hóa những khát vọng mãnh liệt thành động lực phát triển, tạo nên những kỳ tích to lớn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, Đà Nẵng cần tầm nhìn mới với một tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, tạo nên sự khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh để cụ thể hóa và hiện thực hóa Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) cũng như khát vọng của mỗi người dân Đà Nẵng về một thành phố yên bình, đáng sống, là đô thị hạt nhân, là thành phố động lực của khu vực miền trung-Tây Nguyên, đóng vai trò trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước và trên thế giới. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, để đạt được những mục tiêu nêu trong các Nghị quyết của Trung ương, trong quy hoạch của thành phố giai đoạn 2021-2030, thì mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Đà Nẵng cần đổi mới cách nghĩ, cách làm, phải chuyển hóa khát vọng phát triển mãnh liệt, niềm tự hào, tình yêu quê hương cùng tinh thần đổi mới trong từng hành động, việc làm nhỏ nhất để thành phố phát triển và không chỉ trở thành thành phố văn minh, hiện đại, đáng sống, mà còn đáng đầu tư, đáng cống hiến và đáng trải nghiệm ■